Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Quy hoạch điện VII. |
Còn nhiều dự án chậm tiến độ
Tại cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết đã hoàn thành việc rà soát, cập nhật nhu cầu điện, đánh giá lại sơ bộ dự báo tăng trưởng nhu cầu điện và cân bằng công suất - điện năng hệ thống điện quốc gia đến năm 2020 và 2030.
Tổng hợp từ các báo cáo của chủ đầu tư, các dự án nguồn điện do Vinacomin thực hiện trong giai đoạn 2011-2020 (NMNĐ Cẩm Phả II, Mạo Khê, Na Dương II, Nông Sơn, Đồng Nai 5) cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiến độ. Trong đó Cẩm Phả II, Mạo Khê đã đưa vào vận hành ổn định. Dự án nguồn đang triển khai do EVN chủ đầu tư gồm Vĩnh Tân II, Duyên Hải I, Nghi Sơn I, Mông Dương I, Lai Châu cũng bám sát tiến độ, chuẩn bị khởi công các nhà máy Vĩnh Tân IV, Thái Bình I, cảng than Duyên Hải, dự kiến sẽ đưa vào vận hành phù hợp tiến độ yêu cầu của quy hoạch điện VII.
Trong khi đó, các dự án nguồn của PetroVN và Tổng Công ty Sông Đà như Vũng Áng I, Long Phú I, Thái Bình II, Xekaman 1, 3, Nậm Chiến đang chậm tiến độ từ ít nhất 1 năm.
Từ đầu năm 2013, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đóng điện 6 công trình điện lưới. Trong đó có các dự án quan trọng như đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn, đường đấu nối nhà máy điện Bản Chát, Huội Quảng. Riêng lưới điện 500 kV đã thực hiện được 3 công trình với chiều dài 639km, đạt 23% so với kế hoạch 5 năm được phê duyệt.
Cơ bản đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2011-2015
Đến năm 2013, hệ thống điện cho thấy đủ năng lực cung cấp. Với tính toán chung cả giai đoạn 2011-2015 với khả năng đưa vào vận hành thêm 17.000 MW, hệ thống điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cả nước. Tuy nhiên, nếu xét riêng từng khu vực, thì ở miền Bắc và miền Trung đảm bảo đáp ứng phụ tải các năm 2014, 2015 và có dự phòng, còn ở khu vực miền Nam tổng công suất nguồn thấp hơn so nhu cầu phụ tải khu vực, bởi trong giai đoạn tới dự kiến chỉ đưa vào vận hành 3.155 MW và chủ yếu trong năm 2015.
Viện Năng lượng cũng đã nghiên cứu và cập nhật thông tin để có báo cáo đánh giá sơ bộ về hướng điều chỉnh quy hoạch điện VII. Theo đó, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, nhu cầu điện giảm nhiều hơn trong hơn 2 năm qua và có thể diễn biến khác nhiều so với dự báo trong Quy hoạch, tiến độ các dự án nguồn cũng có nhiều thay đổi nên việc cân bằng hệ thống, các vấn đề liên quan tới cung cấp nhiên liệu sơ cấp, nhập khẩu nhiên liệu cũng sẽ có nhiều thay đổi so với kế hoạch được duyệt.
Ưu tiên đầu tư năng lực truyền tải
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả về đảm bảo cung cấp điện, nỗ lực thu xếp đầu tư các dự án thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trong ngành Điện thời gian qua. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý những thách thức rất lớn để ngành Điện đảm bảo nhiệm vụ cung cấp năng lượng phục vụ phát triển, từ thu xếp vốn, thu hút đầu tư cũng như năng lực triển khai, quản lý vấn hành các dự án nguồn, truyền tải vẫn hết sức căng thẳng so với nhu cầu.
Trên cơ sở rà soát, dự báo sát tình hình để đề xuất điều chỉnh tiến độ các dự án nguồn điện cho phù hợp với tình hình phát triển phụ tải mới. Bộ Công Thương xây dựng định hướng phát triển kinh tế hướng tới các ngành ít sử dụng năng lượng nhằm giảm cường độ sử dụng năng lượng, giảm bớt nhu cầu điện “nóng”. Dự báo phụ tải điện cần cập nhật, điều chỉnh liên tục hàng năm nhằm đảm bảo tính hiệu quả khi đưa ra các quyết định đầu tư nguồn điện và lưới điện truyền tải.
Qua diễn biến thực tế, các dự báo, đặc biệt là qua sự cố hệ thống truyền tải ngày 22/5 vừa qua cho thấy tính mất cân đối về năng lượng giữa các khu vực trong nước và yêu cầu cấp bách, cần tập trung là việc đảm bảo cung cấp điện ở phía Nam. Phó Thủ tướng lưu ý Ban chỉ đạo Quy hoạch điện VII chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tăng cường các biện pháp, tập trung ưu tiên đầu tư năng lực truyền tải trên giao diện Bắc - Trung - Nam. Đồng thời, sớm có đôn đốc thúc đẩy các dự án nguồn, đặc biệt các các dự án điện than, điện khí đang và sẽ triển khai, vận hành ổn định các tổ máy mới trong khu vực.
Phó Thủ tướng cho ý kiến định hướng về cơ chế chung đối với các nhiệm vụ triển khai Quy hoạch điện VII , dự thảo quy định về cơ chế đặc thù trong quản lý, thực hiện các dự án điện thuộc Quy hoạch, việc rà soát, hiệu chỉnh Quy hoạch điện VII để có cơ sở cho công tác chỉ đạo điều hành cũng như để các đơn vị triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng có ý kiến xử lý những dự án, công trình trọng điểm, cấp bách của ngành Điện, hướng thu xếp thu hút vốn, kêu gọi đầu tư các dự án nguồn, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc GPMB, thủ tục các dự án, vấn đề cân đối nhiên liệu sản xuất năng lượng,…