Với thực trạng hạ tầng khó khăn như hiện nay, xe buýt sẽ không thể phát huy hết năng lực.
Ông nhận định như thế nào về hiện trạng hạ tầng xe buýt nói riêng và VTHKCC của Hà Nội nói chung?
- Vấn đề hạ tầng xe buýt chưa đồng bộ đã tồn tại từ lâu và trở thành một nút thắt trong hệ thống VTHKCC của TP. Không chỉ riêng xe buýt, toàn bộ hệ thống giao thông đang đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách và đồng bộ.
Một trong những vấn đề nan giải của hệ thống xe buýt hiện nay là sự thiếu ổn định của cơ sở hạ tầng và địa điểm chờ xe buýt. Ví dụ như việc điểm dừng, chờ xe buýt thường xuyên thay đổi vị trí, đặc biệt là ở khu vực nội thành, do ảnh hưởng của việc cải tạo hạ tầng giao thông, đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân.
Bên cạnh đó, tình trạng chiếm dụng điểm dừng, chờ xe buýt bởi các phương tiện khác như xe rác, ô tô, hàng quán… cũng diễn ra phổ biến, làm giảm hiệu quả của cả hệ thống. Việc thiếu nhà chờ xe buýt ở ngoại thành càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, gây ra nhiều bất tiện cho người dân.
Những bất cập như ông vừa nêu ảnh hưởng ra sao đến chất lượng dịch vụ của xe buýt?
- Hạ tầng giao thông kết nối là khâu không thể thiếu trong hạ tầng giao thông công cộng. Để giúp hành khách thuận tiện trong việc chuyển đổi phương tiện từ xe cá nhân sang VTHKCC, cần có điểm dừng, đỗ xe đạp, xe máy, xe ô tô cho người sử dụng phương tiện công cộng.
Muốn VTHKCC phát huy tối đa năng lực và hiệu quả, đòi hỏi phải có sự kết nối liền mạch trong hạ tầng giao thông kết nối. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách chuyển đổi từ xe cá nhân sang VTHKCC, như bố trí điểm đỗ xe đạp, xe máy, ô tô gần các điểm dừng xe buýt và ga tàu, tạo hành lang đi bộ thông thoáng tiếp cận VTHKCC là vô cùng quan trọng.
Thông qua Sở GTVT Hà Nội, Hiệp hội VTHKCC đã có kiến nghị nhiều lần, đề xuất cơ quan chức năng khắc phục những bất cập, tồn tại này. Tuy nhiên, hiện nay, việc kết nối đa phương tiện tại các khu vực nội thành vẫn còn rất hạn chế. Diện tích dành cho giao thông kết nối còn hạn hẹp, dẫn đến tình trạng thiếu điểm dừng, đỗ xe buýt và các phương tiện cá nhân; tình trạng chiếm dụng vỉa hè gây hạn chế không gian đi bộ cũng còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.
Những bất cập đó phải giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, các điểm dừng xe buýt vẫn đang bị biến động khá nhiều. Nhưng trong khu vực nội thành về cơ bản vẫn bảo đảm rất tốt cự ly dưới 500m giữa các điểm chờ xe buýt. Thực tế cho thấy việc bố trí các điểm dừng xe buýt nội thành với khoảng cách trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho phần lớn người dân, cần được duy trì và tiếp tục sắp xếp điểm dừng xe buýt theo hướng này.
Tuy nhiên, tại các khu vực ngõ ngách, việc tiếp cận điểm dừng vẫn còn gặp khó khăn. Khoảng cách đi bộ khá xa từ các ngõ nhỏ đến điểm dừng là rào cản. Cần quan tâm tích cực hơn nữa về vấn đề giao thông đi bộ cho người dân, có thể nghiên cứu thêm các phương thức kết nối để bảo đảm tốt nhất nhu cầu đi lại, tiếp cận VTHKCC. Có thể nghiên cứu, tổ chức một số tuyến buýt kết nối trực tiếp giữa các tuyến tàu điện để trung chuyển hành khách.
Kinh nghiệm phát triển hạ tầng VTHKCC của các đô thị lớn trên thế giới như thế nào thưa ông?
- Xe buýt sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu có làn đường dành riêng cho phương tiện này. Nhiều quốc gia trên thế giới, như Hàn Quốc đã thành công trong việc giải quyết vấn đề đó bằng cách dành riêng làn đường cho xe buýt. Kết quả cho thấy, việc phân chia làn đường riêng không chỉ giúp xe buýt di chuyển nhanh chóng, ổn định mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông và cải thiện môi trường không khí.
Áp dụng kinh nghiệm này, Hà Nội cần sớm có những giải pháp quyết liệt để dành riêng làn đường cho xe buýt. Ngoài ra, nhằm xây dựng một hệ thống VTHKCC hiện đại, hiệu quả, cần đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng cho cả xe buýt, tàu điện lẫn các phương thức giao thông khác kết nối với chúng. Và giải pháp cho các vấn đề này phải được nghiên cứu, tổng hợp một cách đồng bộ, toàn diện.
Vậy nhóm giải pháp đồng bộ và toàn diện mà Hà Nội cần hướng tới là gì thưa ông?
- Chúng ta cần có bộ giải pháp tổng thể, bao gồm nhiều giải pháp như: hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt; cải thiện cơ sở hạ tầng; đổi mới phương tiện; ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường công tác quản lý, điều hành… Đặc biệt, về nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần bố trí mạng lưới điểm dừng, nhà chờ xe buýt hợp lý hơn, bảo đảm các tiêu chí: dễ tiếp cận, an toàn, thuận tiện.
Hiện phần lớn các vị trí đón xe buýt là điểm dừng, cần được nâng cấp lên thành nhà chờ che mưa nắng để phục vụ người dân. Mỗi điểm dừng chờ phải có nhiều hành lang tiếp cận tiện lợi hơn, có thể dễ dàng tới được bằng cách đi bộ, sử dụng xe đạp công cộng, hoặc xe cá nhân… Những đầu mối giao thông có sự liên kết giữa xe buýt, tàu điện cần được đầu tư bài bản để mang đến cho hành khách cảm giác thoải mái, tiện lợi nhất.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất để xe buýt thu hút khách, đáp ứng mong muốn của hành khách là tổ chức hệ thống di chuyển riêng cho nó. Nếu không có làn đường riêng, xe buýt sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc bảo đảm thời gian đi lại khi mà lượng xe cá nhân gia tăng từng ngày.
Xin trân trọng cảm ơn ông!