Ưu tiên gỡ khó cho các dự án hồi sinh không gian xanh

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng xong 6 công viên mới với tổng diện tích hơn 320ha và cải tạo, nâng cấp (mức độ 1) đối với 3 công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất.

Tuy nhiên, các dự án này đều đang chậm tiến độ do vướng mắc trong quá trình triển khai. Trước thực trạng này, TP đang nỗ lực gỡ khó cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện những công viên theo quy hoạch nhằm tăng diện tích không gian xanh đô thị.

Tăng cường không gian xanh đô thị

Trước thực trạng phát triển mất cân đối và để tạo không gian xanh cho người dân, từ năm 2014, TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù. Triển khai thực hiện quy hoạch, từ năm 2016 nhiều dự án xây dựng công viên, cây xanh quy mô lớn đã được TP đẩy mạnh đầu tư xây dựng.

Trẻ em dạo chơi công viên Thủ Lệ. Ảnh: Thanh Hải
Trẻ em dạo chơi công viên Thủ Lệ. Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, do điều kiện về nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế và việc kêu gọi xã hội hóa còn khó khăn nên việc phát triển hệ thống công viên, cây xanh đô thị của Hà Nội vì thế còn khiêm tốn.

Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, hàng loạt công viên có quy mô lớn như Công viên, hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai Dịch, Khu công viên, hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy, công viên hồ Phùng Khoang, công viên Kim Quy… đã được khởi công xây dựng theo hình thức BT nhưng nhiều năm nay hiện vẫn là khu đất trống hoặc xây dựng dở dang, chậm hoàn thành do những vướng mắc mặt bằng, thủ tục đầu tư, điều chỉnh quy hoạch…

Nhằm mở rộng và hồi sinh những không gian xanh, cuối năm 2021 UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025.

Theo kế hoạch, sẽ đầu tư xây dựng mới 6 công viên, gồm: Công viên Chu Văn An, trên địa bàn huyện Thanh Trì, quy mô 50,93ha, do UBND huyện Thanh Trì đầu tư thực hiện; công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, diện tích khoảng 31,7ha, do Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng thực hiện, Công ty TNHH Phát triển công viên Trung tâm là DN dự án; công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, diện tích 11,2ha, do Công ty TNHH VNT thực hiện; công viên văn hóa Kim Quy, diện tích khoảng 101,09ha, nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Mặt trời; công viên hồ Phùng Khoang, diện tích khoảng 11,8ha, do Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Công ty CP Đầu tư và xây dựng đô thị thực hiện; Công viên văn hóa - Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, diện tích khoảng 96,7ha do UBND quận Hà Đông thực hiện. Ngoài ra, 3 công viên cũ gồm Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất cũng sẽ được ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 được duyệt.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn đối mặt với tình trạng thiếu công viên quy mô lớn, không gian vui chơi, do đó kế hoạch của TP từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung đôn đốc, giải quyết để hoàn thành 6 công viên với diện tích hàng trăm ha; đặc biệt, sẽ cải tạo và nâng tầm các công viên có tính chất văn hóa, lịch sử đã gắn bó, thân thuộc với nhiều thế hệ đang là mong chờ của người dân Thủ đô.

Chỉ đạo sát để đẩy nhanh tiến độ

Kỳ vọng vào kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa của TP, tuy nhiên trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và xã hội hạn chế, nên việc thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo công viên, cây xanh quy mô lớn của TP Hà Nội hiện còn chậm. Trước thực tế này TP đã có những chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, sở ngành, quận huyện cùng vào cuộc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Đối với các dự án đầu tư công là Công viên Chu Văn An, TP yêu cầu UBND huyện Thanh Trì hoàn thành thủ tục đầu tư thi công, hoàn thành công trình phục vụ Nhân dân. Dự án công viên Văn hóa - Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, TP chỉ đạo UBND quận Hà Đông dừng việc cho thuê mặt bằng trong công viên, phối hợp với Sở QH - KT, Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, làm rõ nội dung công viên chuyên đề đối với diện tích 50,2ha đã GPMB để tham mưu báo cáo việc lập đề xuất dự án đầu tư công viên, vườn hoa phục vụ cộng đồng.

 

"Có thể thấy, tiến độ xây dựng, cải tạo các công viên vườn hoa đang phụ thuộc phần lớn vào đầu tư công với nguồn vốn lớn. Lĩnh vực công viên cây xanh trong kế hoạch bố trí vốn trung hạn đang là 465 tỷ đồng cho 4 công viên. Do đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp đang kiến nghị, trong trường hợp vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa bố trí đủ thì TP Hà Nội nên phân kỳ đầu tư." - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội Đồng Phước An

Đối với các dự án được xây dựng theo hình thức BT như dự án công viên, hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai Dịch, tại buổi làm việc, kiểm tra tiến độ một số dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công viên trên địa bàn TP, vào ngày 7/2, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho hay, công viên đã đưa vào khai thác vận hành trên thực tiễn từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn chưa nghiệm thu và bàn giao quản lý. Do đó, yêu cầu Sở Xây cần dựng khẩn trương hoàn thành toàn bộ hơ pháp lý liên quan đến các hạng mục dự án chặt chẽ đúng quy trình quy định, và ấn định thời gian cụ thể để tiến hành bàn giao; đồng thời yêu cầu các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm quản lý chặt chẽ không để phát sinh vi phạm trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường.

Đối với dự án đầu tư Công viên hồ điều hòa CV1, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gia hạn thời gian thi công để hoàn thành những hạng mục phát sinh với phương châm không tăng thêm tổng mức đầu tư; xem xét bổ sung các thiết bị thể dục thể thao, thay thế bổ sung thêm cây xanh, bổ sung thêm công năng, nâng tầm giá trị của công viên được xây dựng theo hình thức BT…

Không chỉ dự án xây mới mà cả dự án cải tạo nâng cấp công viên cũ của TP cũng gặp khó khăn. Là một trong ba công viên nằm trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp giai đoạn 2021 - 2025, tuy nhiên cho đến nay dự án cải tạo Công viên Thủ Lệ chưa thể triển khai theo quy hoạch do chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách. Do đó, mục tiêu kế hoạch đề ra cũng chưa thể thực hiện.

Trước những bất cập này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu sở, ngành gỡ khó cho việc cải tạo các công viên, đặc biệt tập trung cho công viên Thủ Lệ - một địa điểm có ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Thủ đô. Chậm nhất vào kỳ họp đầu tiên của HĐND TP (tháng 7/2023) Sở Xây dựng sẽ phải trình phương án đầu tư cải tạo. “Điều chỉnh đầu tư công trung hạn 5 năm và bổ sung nguồn vốn, nguồn lực. Nếu không còn chủ trương xã hội hóa đầu tư thì chắc chắn đây là địa chỉ thích hợp để tập trung đầu tư cao độ, đầu tư công” - Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Như vậy, với việc TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư để đưa vào hoạt động trong năm nay 2 công viên được đầu tư theo hình thức BT gồm Công viên CV1 và Công viên Mai Dịch. Cùng với việc xây mới 4 công viên do TP quản lý và cải tạo 3 công viên cũ, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ đôn đốc tiến độ của khoảng 40 công viên, vườn hoa do cấp quận, huyện quản lý để “hồi sinh” những không gian xanh này.

 

"Thực hiện chỉ đạo UBND TP đã giao, Sở QH- KT đang phối hợp với Sở Xây dựng, chính quyền địa phương tổ chức rà soát tổng thể hệ thống các công viên cây xanh còn sót lại trong Quy hoạch năm 2014. Hiện nay vẫn tiếp tục đưa vào khai thác thì tổ chức lập quy hoạch đối với các công viên này." - Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa