Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%, không để đảo lộn cân đối ngân sách, kiểm...

Kinhtedothi - Kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%, không để đảo lộn cân đối ngân sách, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 5%, đồng thời năm 2015 tập trung đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh... Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015 tổ chức ngày 30/1.

CPI giảm không phải  dấu hiệu của giảm phát

Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan. Kinh tế vĩ mô tích cực hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất công nghiệp tăng cao; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Xuất khẩu tăng khá. Giải ngân vốn FDI ước đạt 505 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ; Giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi ước đạt 120 triệu USD, tăng 10%...
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các bộ, ngành tại buổi họp báo.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các bộ, ngành tại buổi họp báo.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến kinh tế Việt Nam, nổi lên là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh xuống 44,41 USD/thùng (29/1/2015) và dự báo có thể xuống 42 USD/thùng trong quý I/2015. Đánh giá về tác động của giá dầu thô thế giới đối với Việt Nam, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, mặc dù giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tuy nhiên, trên cơ sở tính toán, sản lượng khai thác dầu thô sẽ không giảm so với kế hoạch. Theo Bộ Tài chính,  tác động của dầu thô tới nền kinh tế nước ta là tác động hai chiều, có cả khó khăn và thuận lợi, trong đó, mặt thuận lợi là nhiều hơn.

Liên quan tới vấn đề này, lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định, việc CPI tháng 1/2015 tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp không phải là dấu hiệu của sự giảm phát bởi nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục phát triển như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2015 tăng 17,5% so với cùng kỳ…

Tăng cường quản lý thị trường

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thị trường; xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả. Kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Về giá cước vận tải, Thủ tướng yêu cầu các Bộ liên quan và các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc định giá của DN; Bộ Tài chính nghiên cứu việc đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá.
Việc Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường có bút phê vào công văn đề nghị của DN gửi đến là đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật. Về vấn đề tin nhắn, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có báo cáo với Ban cán sự Đảng về việc những tin nhắn các báo đưa là hoàn toàn sai sự thật. Căn cứ vào báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, chúng tôi đã có báo cáo với Ban Bí thư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

Thủ tướng yêu cầu kiên định thực hiện giá thị trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, điện, than. Thận trọng, chặt chẽ trong điều hành giá bảo đảm giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp; đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ chống buôn lậu. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất dự trữ xăng dầu khoảng 1 - 1,5 triệu tấn.

Trả lời câu hỏi của báo chí tại phiên họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 30/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, hiện, Việt Nam có 19 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Các đầu mối này phải đảm bảo hậu cần, kho bãi, các thiết bị, kể cả hệ thống xăng dầu trong hệ thống phân phối… đã được Bộ Công thương, địa phương đồng ý giám sát kiểm tra, đảm bảo an ninh năng lượng xăng dầu với sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Nhà nước cũng tùy theo các yếu tố cũng có dự trữ quốc gia.

Chia sẻ thêm về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tập trung vào hai nhóm việc: Một là, gia tăng việc giám sát tại những nơi mua bán các loại thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối. Thứ hai, phải tổ chức hướng dẫn, giám sát trên đồng ruộng, việc làm này chủ yếu ở các địa phương cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đô thị. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện đã thành lập 2 ban điều phối về xây dựng các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn cho 2 TP là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và sẽ tổ chức vận hành 2 ban điều phối này trong những ngày tới.

Ưu tiên gỡ khó cho DN

Theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, năm 2015, các bộ, ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đặc biệt lưu ý phải tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện... "Năm 2015 phải là năm có tiến bộ vượt bậc về vấn đề này" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đưa nợ xấu về mức 3%; tạo thuận lợi cho DN vay vốn nhưng chú ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không để nợ xấu gia tăng, giữ ổn định tỷ giá. 
Chia sẻ quan điểm tại buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ về việc thời gian qua có nhiều doanh nhân vướng vòng lao lý, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định: DN - doanh nhân chính là những chiến sĩ thời bình, chúng ta không bao giờ muốn họ bị vấp ngã. Tuy nhiên pháp luật vẫn là trên hết, mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật, khi vi phạm pháp luật, đứng ở vị trí nào cũng bị xử lý. "Quan điểm của Chính phủ là chúng ta làm hết sức, chúng ta tham gia thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở, tạo điều kiện khắc phục tối đa, không để "hành xử quá đáng" - người phát ngôn Chính phủ cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần