70 năm giải phóng Thủ đô

Ưu tiên nguồn lực cho gạo Việt xuất khẩu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cung dồi dào, chất lượng tăng cao đã giúp gạo Việt chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Tuy nhiên, để gia tăng sản lượng và giá trị, mặt hàng gạo xuất khẩu cần được ưu tiên nguồn lực trong xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường.

6 tháng, xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá lúa trong nước diễn biến giảm vào quý I/2023, sau đó tăng dần và ổn định trong 2 tháng cuối của quý II/2023.

Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” sang nhiều nước châu Âu. Ảnh: Nguyên Bình
Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” sang nhiều nước châu Âu. Ảnh: Nguyên Bình

Về thị trường xuất khẩu gạo, trong 5 năm gần đây (2018 - 2022), xuất khẩu gạo duy trì khối lượng trên 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2022, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn (tăng 16,3% so với năm 2018), giá trị xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD (tăng 12,7% so với năm 2018).

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6/2023 ước đạt 650.000 tấn với giá trị 383 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị phần chiếm trên 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu; Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai, thị phần chiếm 19%;  Indonesia là thị trường số 3. Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU tăng trưởng ở mức ba con số như: Ba Lan tăng 117,4%, Bỉ tăng 164,9%, Tây Ban Nha tăng 307,6%...

 

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải

Về giá gạo xuất khẩu, bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Tính đến ngày 23/6, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng 5 USD tấn lên 478 USD/tấn, cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan và cao hơn khoảng 25 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.

Bộ NN&PTNT nhận định, tính chung cả năm 2023, xuất khẩu gạo dự kiến đạt 8 triệu tấn, thu về giá trị 4 tỷ USD.

Chú trọng dự báo dài hạn về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng

Phân tích về yếu tố thị trường, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm hoàn thiện các chủ trương, chính sách thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Dự báo tính chung cả năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 8 triệu tấn, thu về giá trị 4 tỷ USD. Ảnh minh họa
Dự báo tính chung cả năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 8 triệu tấn, thu về giá trị 4 tỷ USD. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Gạo Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn tại thị trường Philippines do khách hàng đã quen với chất lượng gạo Việt, và gạo Việt Nam có lợi thế về logistics hơn so với các nguồn cung khác. Trong khi đó, nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia tăng trở lại. Trung Quốc đã mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo còn gặp những khó khănTheo đó, nguồn cung không ổn định trong năm do cơ cấu mùa vụ. Sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, xâm nhập mặn. Cạnh tranh giữa những nước lớn, giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại, các xung đột, xu hướng bảo hộ gia tăng. Các nước tiếp tục gia tăng rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại.

Lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp tác động đến thương mại và gây khó khăn về đầu ra cho thị trường; giá cả biến động.

Đề cập về những giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế.

Cùng với đó, cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc; Nghiên cứu, xây dựng trình ban hành Nghị định quản lý về thương hiệu nông sản (trong đó có sản phẩm gạo)...

Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường; đánh giá, dự báo dài hạn về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại từng khu vực thị trường để phục vụ định hướng, điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Ưu tiên nguồn lực cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo (kinh phí xúc tiến thương mại từ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam). Kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ; phát triển, mở cửa thị trường cho nông sản Việt để đa dạng hoá thị trường.