Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch giao thông Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:

 Ưu tiên phát triển giao thông công cộng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch giao thông vận tải TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Chiều 3/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô phối hợp với Sở GTVT Hà Nội tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, các đơn vị liên quan về định hướng quy hoạch giao thông vận tải TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự và chủ trì tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì tọa đàm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì tọa đàm.

Tại tọa đàm, đại diện Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) báo cáo kết quả rà soát Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 (Quy hoạch 519); đồng thời, đề xuất các định hướng lớn về phát triển giao thông vận tải để đưa vào điều chỉnh Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, đây là đồ án quy hoạch chuyên ngành duy nhất trong 8 đồ án được TP Hà Nội cho rà soát với nhiều nội dung lớn và khó. Sở cùng đơn vị tư vấn đã phối hợp cùng 8 tỉnh lân cận và 15 huyện, thị xã rà soát quy hoạch giao thông vận tải, làm rõ thực trạng về những “khoảng trống” cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay, đồng thời, các địa phương cũng đưa ra một số đề xuất kết nối.

Về định hướng hợp phần Quy hoạch giao thông vận tải TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quy hoạch Thủ đô, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Chiến lược và phát triển giao thông Vận tải, Bộ GTVT) nêu, quy hoạch được lập với quan điểm phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại, dễ tiếp cận, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thân thiện với môi trường; bảo đảm tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài. Quy hoạch ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt Hà Nội.
Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt Hà Nội.

Về định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt, hướng tuyến được điều chỉnh trên cơ sở 8 tuyến đã phê duyệt tại Quy hoạch 519 để từng bước hình thành các tuyến phân theo chức năng: vành đai, hướng tâm. Trong đó, các tuyến vành đai hình thành các tuyến trên cơ sở vành đai 1; 2,5 và 3; các tuyến hướng tâm; tuyến kết nối với TP thuộc Thủ đô và đô thị vệ tinh, đầu mối vận tải lớn (cảng hàng không, ga đường sắt).

Về nhà ga, dự kiến, quy hoạch hệ thống nhà ga dùng chung tại giao cắt giữa các tuyến đường sắt đô thị và quy hoạch các ga đầu mối để kết nối với các địa phương khác trong vùng Thủ đô bằng đường sắt đô thị và đường sắt liên vùng.

Về định hướng quy hoạch mạng lưới đường bộ, mục tiêu ưu tiên giải quyết ùn tắc tại các trục xuyên tâm khu vực cửa ngõ thành phố; các tuyến cao tốc cập nhật lộ trình, quy mô đầu tư chi tiết quy hoạch mạng lưới cao tốc quốc gia vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Bổ sung hệ thống cầu vượt sông đảm bảo quy mô 1-3km/cầu tại khu vực trung tâm và 3-5km/cầu tại khu vực ngoại thành.

Định hướng quy hoạch hàng không, nghiên cứu bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam TP Hà Nội; ưu tiên sớm hoàn thiện hệ thống đường sắt kết nối đến các cảng hàng không đảm bảo vận tải bằng đường sắt đóng vai trò chủ đạo…

Về định hướng quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa, với các tuyến vận tải hàng hóa sẽ phát triển đầu mối hàng hóa gắn với các cảng thủy nội địa (Giang biên, Mễ Sở, Hồng Vân). Còn với các tuyến vận tải hành khách, phát triển hệ thống cảng, bến hành khách. Đồng bộ với tiến trình phát triển không gian đô thị hai bên sông. Gắn kết với chuỗi du lịch lịch sử dọc sông Hồng trên địa bàn TP Hà Nội  như: đền Hát Môn, đền Đại Lộ, bãi Tự Nhiên, làng gốm Bát Tràng và các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng.

Định hướng quy hoạch mạng lưới đường bộ TP Hà Nội.
Định hướng quy hoạch mạng lưới đường bộ TP Hà Nội.

Tại tọa đàm, đơn vị tư vấn đã xin ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia, sở ngành TP vào định hướng nghiên cứu quy hoạch GTVT TP Hà Nội. Cụ thể, phương án tổ chức vận tải của đoàn tàu đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và Ga trung tâm (Ga Hà Nội).  Phương án quy hoạch và bố trí công năng của Ga Hà Nội.

Phương án khai thác đường sắt đô thị trên tuyến đường sắt vành đai đầu mối Hà Nội. Phương án dự phòng quỹ đất và bố trí các nhà ga đường sắt đô thị trên tuyến đường sắt vành đai, kết nối với mạng lưới đường sắt đô thị.

Phương án quy hoạch đồng bộ hệ thống cầu đường bộ và đường sắt vượt sông. Mức độ xác định sơ bộ vị trí của Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô và phương án kết nối Cảng hàng không (đường sắt đô thị và cao tốc đô thị).

Kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu các đơn vị được giao triển khai hai quy hoạch tiếp thu tối đa, tiếp tục cùng bàn bạc, thống nhất với vai trò “nhạc trưởng” để phối hợp chặt chẽ, thống nhất các nội dung từ chi tiết đến tổng hợp. Sở GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, tổ chức thêm nhiều buổi làm việc để hoàn thiện báo cáo cấp độ 2 của tư vấn, xin ý kiến lãnh đạo TP. Các đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến các sở ngành, chuyên gia, tiếp tục bám đúng khung định hướng của TP để hoàn thiện sản phẩm với chất lượng tốt nhất, đáp ứng kỳ vọng của TP đặt ra.