70 năm giải phóng Thủ đô

Ưu tiên phát triển giao thông công cộng

Nguyễn Văn Dư (Chuyên gia tư vấn cao cấp – DÁ cải thiện giao thông công cộng HN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ gia tăng nhanh phương tiện cơ giới trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua đang đặt ra nhiều thách thức đối với giao thông đô thị.

Muốn giải quyết vấn đề đó cần phải ưu tiên phát triển giao thông công cộng (GTCC) và xây dựng văn hóa giao thông.
Phương tiện công cộng phải có sức hút
Hiện nay, tổng số phương tiện cơ giới của Hà Nội khoảng trên dưới 6 triệu chiếc, trong đó hơn nửa triệu ô tô còn lại là xe máy; chưa kể xích lô, xe đạp điện, xe đạp... Ách tắc giao thông ở một TP đang phát triển mạnh mẽ như Hà Nội cũng là điều thường thấy ở khu vực và nhiều nước trên thế giới.
Để giải quyết vấn đề UTGT và hạn chế tai nạn giao thông, ngoài việc phát triển hạ tầng cơ sở trong điều kiện có thể, còn có 2 biện pháp quan trọng nhất là: Phát triển GTCC, hạn chế từng bước phương tiện giao thông cá nhân; và xây dựng cho được văn hóa giao thông.
Ai cũng biết rằng, sử dụng phương tiện giao thông cá nhân chiếm diện tích mặt đường gấp nhiều lần phương tiện GTCC cộng. Theo tính toán trung bình sử dụng xe buýt chiếm 1,5 - 2m2/người, sử dụng xe máy chiếm 8 - 12m2/người, sử dụng ô tô con chiếm 24 - 26m2/người. Chúng ta không thể có điều kiện mở những con đường lớn từ 8 - 10 làn xe mỗi bên trong nội đô, vì vậy nhất thiết phải phát triển GTCC, hạn chế giao thông cá nhân.

Phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Quỳnh Anh

Phát triển GTCC có nhiều hình thức như xe buýt, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị... Nhưng trước hết phải phát triển đa dạng các loại hình xe buýt to, vừa và nhỏ để có thể thuận tiện cho khách đi lại. Phải có chế độ ưu tiên như đường dành riêng cho xe buýt; trong điều hành giao thông phải ưu tiên giải tỏa cho xe buýt khi có tắc nghẽn. Phải tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng phương tiện GTCC, coi sử dụng phương tiện GTCC là bình thường, là văn hóa, không coi các phương tiện GTCC chỉ dành cho những người có thu nhập thấp như học sinh, sinh viên, người già... GTCC phải được sử dụng cho lực lượng chính là cán bộ công nhân viên, cán bộ trung cao cấp. Phải tiếp tục trợ giá cho GTCC, thậm chí ngoài giờ cao điểm có thể miễn phí cho người về hưu, người cao tuổi như một số nước đã làm. Phải có cơ chế làm cho người dân thấy được sử dụng GTCC là tiện lợi, an toàn và kinh tế. Ví dụ các phương tiện cá nhân sử dụng đường nhiều thì phải chịu thuế đường cao; gửi xe trong nội đô phải giá cao, nhưng gửi ở ngoại ô để sử dụng phương tiện GTCC vào TP thì giá lại rất thấp hoặc miễn phí, và những chênh lệch về lợi ích được sử dụng hỗ trợ cho GTCC để phục vụ nhiều người. Cùng với đó, các đơn vị làm GTCC phải cải tiến cách quản lý, phục vụ hành khách đúng giờ, thuận tiện, lái phụ xe cũng phải xây dựng văn hóa ứng xử với hành khách; tổ chức giao thông phải thuận tiện, điểm đỗ đều khắp. Chấm dứt tình trạng bán hàng trên hè đường, chỉ cần dừng xe máy là mua được hàng. Vỉa hè phải dành cho người đi bộ để khuyến khích người đi xe buýt. Nghĩa là cần phải xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm tạo ra môi trường mà sử dụng GTCC là tối ưu so với giao thông cá nhân.
Về vấn đề hạn chế giao thông cá nhân, những tuyến GTCC đáp ứng đủ nhu cầu đi lại cần hạn chế giao thông cá nhân bằng nhiều cách, trong đó có thể áp dụng ngày chẵn cho đi số chẵn, ngày lẻ cho đi số lẻ; đỗ xe theo ngày chẵn lẻ; hoặc trong tuần có 1 ngày không sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên tuyến đó. Cơ quan đơn vị có điều kiện hỗ trợ thì hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên sử dụng GTCC, không hỗ trợ xăng xe cho phương tiện cá nhân… Nhờ những chính sách điều tiết như vậy mà nước Nhật có 127 triệu dân, 80 triệu xe ô tô nhưng 80% nhu cầu đi lại vẫn bằng GTCC.
Hình thành văn hóa trong giao thông
Văn hóa là cốt lõi của sự trường tồn của một dân tộc. Trong quá khứ, dân tộc ta đã từng làm nên những sự kiện vĩ đại, những chiến thắng huy hoàng không hẳn vì chúng ta mạnh, giàu hay hiện đại hơn đối phương mà cái chính do chúng ta có một nền văn hiến lâu đời và một truyền thống văn hóa rực rỡ. Bác Hồ nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Trong cuộc đấu tranh giảm trừ tai nạn giao thông, chống UTGT về khía cạnh nào đó cũng giống như một cuộc chiến thực sự; muốn thắng lợi, nhất thiết phải xây dựng cho được nền văn hóa trong giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông cũng phải xuất phát từ văn hóa truyền thống kết hợp với giao thông hiện đại và phù hợp với tập quán quốc tế. Trong đời sống của người dân đô thị có 3 nhu cầu cơ bản: ăn, ở, đi. Đi tức là giao thông, một vấn đề lớn có liên quan đến cộng đồng, đến đời sống của nhiều người nên đi có văn hóa cũng đã được người xưa dạy: “Đi dâu mà vội mà vàng. Mà mắc phải đá mà quàng phải dây” hay “Thong thả thì chóng mà vội vàng thì lâu”, nhắc nhở chúng ta đi lại phải đàng hoàng từ tốn để đá cũng chẳng mắc mà dây cũng chẳng quàng.
TP ngày nay có hàng triệu xe cá nhân, GTCC một thời gian dài vẫn chỉ giải quyết được nhu cầu đi lại rất khiêm tốn. Vì vậy nếu không xây dựng văn hóa giao thông, đề cao luật lệ giao thông, không có kỷ cương đi lại, mạnh ai nấy đi thì dù có xây dựng đường rộng bao nhiêu đi nữa cũng không giải quyết được UTGT và tai nạn giao thông. Chúng ta phải xây dựng văn hóa giao thông trên cả 3 lĩnh vực: duy trì thực hiện nghiêm pháp luật giao thông; xây dựng thói quen nhường nhịn; tôn trọng nhau khi tham gia giao thông, tuyên truyền luật giao thông cho người dân. Nhìn lại bản đồ mật độ tai nạn giao thông thì thấy tập trung nhiều trên đường vành đai, đường trục giao thông nghĩa là đường càng rộng càng tốt thì tai nạn giao thông càng nhiều. Vì vậy nhất thiết phải xây dựng cho được văn hóa giao thông cụ thể là văn hóa cho người tham gia giao thông; văn hóa cho người đi bộ; văn hóa cho người tham gia GTCC; văn hóa phục vụ GTCC.
Tóm lại để giải quyết vấn đề chống UTGT và tai nạn giao thông hiện nay quan trọng nhất là phát triển GTCC làm trung tâm, chúng ta xây dựng TP theo hướng hình thành một mạng lưới GTCC hoàn chỉnh, có tuyến chính, tuyến kết nối hỗ trợ để GTCC có khả năng đáp ứng nhu cầu khác nhau của rất nhiều người. Xây dựng cho được văn hóa giao thông, chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhường nhịn trong giao thông, thay đổi nhận thức và thói quen để mọi người ưu tiên sử dụng phương tiện GTCC, ít sử dụng giao thông cá nhân. Chống ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông còn tạo một môi trường đô thị lành mạnh, thông thoáng để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài góp phần làm TP và đất nước giàu đẹp.