Ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, huyện Phúc Thọ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sản xuất - kinh doanh cho các DN.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện có 1.043 DN đang hoạt động, chủ yếu trong 2 nhóm lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ; còn lại là các DN nông nghiệp và một số lĩnh vực khác.

Các DN, hộ sản xuất đã chú trọng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mang lại nguồn thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 45 tỷ đồng.

Sản xuất đồ gỗ tại làng nghề mộc xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Trọng Tùng
Sản xuất đồ gỗ tại làng nghề mộc xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Trọng Tùng


Trong những năm qua, được sự hỗ trợ kinh phí của TP Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công. Trong đó, quan tâm đầu tư một số công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là một số tuyến đường trục chính của huyện, liên huyện, liên xã, hệ thống điện.

Có thể khẳng định, việc quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống điện, các cơ sở hạ tầng khác đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của DN, hộ sản xuất và Nhân dân.

Hiện nay, UBND huyện Phúc Thọ đang tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho DN và hộ kinh doanh. Đồng thời, UBND huyện cũng đã đề xuất với TP kêu gọi đầu tư đối với các dự án cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống chợ, các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu.

Liên quan đến tiến độ 6 cụm công nghiệp (diện tích 94,87ha) đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 4 cụm công nghiệp được khởi công, 2 cụm đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đang hoàn thiện hồ sơ xin giao đất để tổ chức khởi công.

Theo kế hoạch, sau khi các cụm công nghiệp hoàn thành công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện sẽ phối hợp cùng chủ đầu tư thu hút các các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã làng nghề đang phát triển như: Liên Hiệp, Tam Hiệp, Long Xuyên, Võng Xuyên, Thanh Đa...

Cũng liên quan đến phát triển hạ tầng sản xuất, ông Lê Văn Thu cho biết huyện đang báo cáo đề xuất UBND TP Hà Nội bổ sung 5 cụm công nghiệp: Sen Phương (30ha), Tam Hiệp 2 (60ha), Tam Hiệp 3 (56ha), Liên Hiệp 3 (36ha), Liên Hiệp 4 (35ha), với tổng diện tích 217ha; tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh - xã hội tại địa phương.