Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu tiên việc xử lý rác thải ở ngoại thành

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những năm gần đây, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu gom rác thải tại các khu vực nông thôn ngày càng được nâng lên, song tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển đi xử lý đạt tiêu chuẩn còn thấp.

Các khu xử lý chất thải rắn đang quá tải

Tại các huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ…, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu thực hiện ở các thị trấn và một số xã lân cận, còn những xã xa trung tâm huyện vẫn chưa thu gom được.

Lượng rác thải chôn lấp tại chỗ ở một số huyện chiếm tỷ lệ từ 50 - 60%, các điểm lấp này nằm rải rác tại các khu vực dân cư tập trung, gây ô nhiễm môi trường.

Dự báo đến năm 2020, tổng số rác thải sinh hoạt cần được xử lý trên địa bàn TP là 7.335 tấn/ngày đêm, tương đương khoảng 2.677.275 tấn/năm. Tính riêng tại các huyện, khối lượng rác thải cần xử lý khoảng 2.642 tấn/ngày.

Theo hiện trạng tiếp nhận, xử lý rác thải và tiến độ đầu tư mở rộng của các khu xử lý chất thải rắn hiện có cho thấy, các khu xử lý chất thải rắn hiện có của TP đang trong tình trạng quá tải, với tỷ lệ rác thải tiếp nhận và xử lý như hiện nay thì các bãi sẽ lấp đầy vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Trong khi các điểm xử lý chất thải rắn của huyện mới chỉ xử lý được một phần nhỏ lượng rác thải phát sinh. Hầu hết, khối lượng rác thải thu gom được từ các huyện vẫn được vận chuyển về xử lý tại các bãi chôn lấp tập trung của TP.

Hơn 447,6 tỷ đồng đầu tư xử lý

Để công tác thu gom vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt công tác vệ sinh môi trường nông thôn đi vào nền nếp, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu lượng rác thải tồn đọng không được xử lý đúng quy định, UBND TP Hà Nội xây dựng Đề án thu gom, quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai các dự án ưu tiên để quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện đến năm 2020.

Trong dự thảo, đề án đưa ra mục tiêu đến 2015, phấn đấu 100% các xã, thị trấn của 18 huyện có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, đạt tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các huyện trên 80%.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, trong công tác thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, TP sẽ chỉ đạo để phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành. Chủ trương của TP là ngoài việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, cần tiến hành xã hội hoá, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác này để đạt được hiệu quả cao nhất.
 
Việc thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý rác phải được thực hiện từng bước và có lộ trình. "Trong thời gian tới, ngoài việc hình thành 4 khu vực xử lý rác lớn, TP sẽ đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, trong đó, ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý rác thải trong nước và quốc tế. Trước mắt, các huyện cần đảm bảo thu gom rác hợp vệ sinh, không làm ảnh hưởng đến môi trường sống người dân, tiếp tục vận động tuyên truyền cho người dân biết về việc phân loại rác, đồng thời tham gia tổng vệ sinh để đảm bảo mỹ quan cho thôn, xóm" - Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.

 
 
Theo thống kê của các huyện trên địa bàn Hà Nội, năm 2012, tổng lượng rác thải tồn đọng lên đến khoảng 65.000 tấn, tại 304 điểm. Nguyên nhân chính do các khu xử lý rác tập trung của TP đang trong tình trạng quá tải, nên phải thực hiện phân luồng rác hạn chế từ các huyện về những bãi tập trung của TP. Bên cạnh đó, việc chủ động thực hiện đầu tư xây dựng khu chôn lấp hợp vệ sinh của các xã, huyện còn hạn chế.