Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu tiên vốn cho các dự án bất động sản dở dang

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/4, Ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) đã họp phiên đầu tiên của năm 2014 để nhìn nhận, đánh giá lại hoạt động của năm 2013 và phương hướng của năm 2014.

Chủ trì phiên họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Chính phủ sẽ kiên quyết thực hiện chủ trương hạn chế các dự án mới. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải tiếp tục triển khai rà soát các dự án trên địa bàn theo Chỉ thị 2196/CT-TTg. 

Hạn chế tối đa dự án mới

Theo báo cáo của 61 địa phương, qua rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, hiện có 3.258 dự án (chiếm 81%), với diện tích đất 81.565ha (chiếm 79,8,%), diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 29.545ha (chiếm 81,9%). Đáng chú ý, có hàng trăm dự án cần phải điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp, điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, Hà Nội có 285 dự án, TP Hồ Chí Minh có 33 dự án. 
Một khu đất tại Mỹ Đình bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Ảnh: Trần Dũng.
Một khu đất tại Mỹ Đình bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Ảnh: Trần Dũng.
 
Về các dự án tạm dừng triển khai, theo báo cáo của 47 địa phương có 287 dự án tạm dừng với diện tích đất 14.819ha (14,5%), diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 4.395ha (12,9%). Nguyên nhân tạm dừng chủ yếu là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn để triển khai tiếp. Còn 470 dự án, với tổng diện tích đất khoảng 6.983ha là những dự án đã hoàn thành, hoặc chưa có báo cáo, các địa phương đang tiếp tục cập nhật số liệu báo cáo bổ sung.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, số dự án được cấp phép quá lớn so với nhu cầu thực và khả năng chi trả. Vì vậy, cần tập trung để xử lý tồn kho này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, cần phải tính toán biện pháp thu hồi dự án bởi thị trường đang có những chuyển biến tích cực. Đến thời điểm này, tồn kho BĐS đã giảm 34%. Tồn kho ở đây là những sản phẩm chưa có giao dịch, chưa tính hết được tồn kho dở dang, đã có giao dịch nhưng mới chỉ một phần (chủ đầu tư đã bán cho đầu tư thứ cấp, người sử dụng nhưng người bán không có khả năng làm, bên mua không chịu nộp tiền, bên bán không có khả năng làm tiếp). 

Để tập trung giải quyết vấn đề tồn kho, tạo điều kiện cho các dự án đang triển khai dở dang, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, ưu tiên dành tín dụng cho các dự án dở dang bởi nếu dồn vốn cho dự án mới thì tình trạng tồn kho sẽ tiếp diễn. Với dự án mới, phải hết sức đặc biệt thì mới cho triển khai. Phó Thủ tướng lưu ý các ngân hàng khi chuyển tín dụng cho các dự án cần tập trung vào các dự án đang dở dang. Với dự án mới, đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, nếu quá nhiều dự án trình mới thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Tiếp lực cho thị trường 

Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 4 sẽ đưa ra lấy ý kiến để quyết định về Đề án thành lập Công ty Cho vay tái thế chấp nhà ở. Tổ chức tái thế chấp có nguồn lực huy động từ các nguồn khác nhau để mua lại các hợp đồng tín dụng, các khoản nợ của các ngân hàng thương mại; tạo nguồn vốn trung, dài hạn để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay nhà ở. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, hình thức chuyển nợ của các tổ chức, cá nhân từ ngân hàng thương mại sang tổ chức tái thế chấp là mô hình khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Tổng dư nợ cho vay BĐS của ngân hàng hiện nay là 268.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% tổng dư nợ; con số này của năm 2009 là 270.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng cho BĐS ở mức thấp nhất là 230.000 tỷ đồng khi thực hiện chính sách siết chặt tín dụng với BĐS.

Thủ tục hành chính còn vướng là vấn đề được nhiều thành viên Ban Chỉ đạo đề cập cùng với những kiến nghị về thủ tục hành chính. Ngay cả thông tư liên bộ về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đã được nghiên cứu cả năm nhưng đến thời điểm này vẫn chưa hoàn tất. Đây là chính sách mà thị trường rất mong chờ. Phó Thủ tướng đánh giá, việc thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai có những khái niệm mới rất khó nhưng các bộ phải ngồi lại để tháo gỡ. Để tạo ra giải pháp căn cơ cho thị trường, cần tập trung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là thông tư liên bộ về thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai, đề án mô hình cơ quan tái cho vay thế chấp.

 
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, TP Hà Nội đã đề xuất không điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ với các dự án nhà ở nằm trong phạm vi đường Vành đai 2. Với các dự án nhà ở nằm trong phạm vi giữa đường Vành đai 2 và Vành đai 3, trong khu vực đông dân cư không điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi dự án.