Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu tiên vốn ODA cho các dự án hạ tầng, kinh tế xã hội

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu.

Gần 23 tỷ USD vốn ODA được phân bổ trong giai đoạn 2021-2025
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 2109/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (NTTNN) giai đoạn 2021-2025". Theo đó, tổng số vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài dự kiến được bố trí trong giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 527.100 tỷ đồng (tương đương với gần 23 tỷ USD). Trong đó, vay cấp phát từ ngân sách trung ương là 305.000 tỷ đồng; Vay về cho vay lại là 222.000 tỷ đồng (bao gồm cho vay lại từ ngân sách trung ương đối với ngân sách địa phương và cho vay lại DN, đơn vị sự nghiệp công lập).
Căn cứ theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong số 300.000 tỷ đồng vốn ODA và vay ưu đãi của các NTTNN cấp phát từ ngân sách trung ương, 270.000 tỷ đồng sử dụng cho các dự án chuyển tiếp và các dự án mới (bao gồm số vốn phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 179.657,8 tỷ đồng, số vốn chưa phân bổ chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 90.342,1 tỷ đồng), 30.000 tỷ đồng là vốn dự phòng.
 Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt trọng tâm vào việc phục hồi kinh tế, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng có tính kết nối cao. Ảnh minh hoạ
Theo Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt trọng tâm vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, tập trung nhiều hơn vào tái cơ cấu, đổi mới mô hình và chất lượng tăng trưởng theo hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghệ số, kinh tế số, phát triển cơ sở hạ tầng có tính kết nối cao, cải cách công tác quản lý nhà nước, dịch vụ công..., do đó đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư rất lớn.
Bên cạnh đó, nhu cầu cải thiện đô thị do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, dẫn đến sự gia tăng và quá tải hệ thống giao thông đô thị, môi trường, dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục. Chưa kể, còn các vấn đề như bất bình đẳng theo vùng miền, nhu cầu tái đào tạo phần lớn lực lượng lao động nhằm thích ứng với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt cách mạng công nghiệp 4.0… cũng đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ.
“Vốn vay là cần thiết trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được” - Bộ KH&ĐT nhấn mạnh. “Mặc dù Việt Nam đã ''tốt nghiệp'' sử dụng vốn vay ODA với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong thời gian tới, nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các NTTNN vẫn là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho những công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, có tính lan tỏa cao và quan trọng” - đại diện Bộ KH&ĐT bày tỏ quan điểm.
Dành vốn cho một số lĩnh vực ưu tiên 
Theo Bộ KH&ĐT, định hướng ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các NTTNN giai đoạn 2021 - 2025 theo ngành, lĩnh vực về cơ bản thực hiện theo Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020. Trong giai đoạn 2021 - 2025, vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài sẽ được dành cho một số lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các NTTNN nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Trong khi đó, vốn vay ưu đãi của các NTTNN được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, căn cứ nhu cầu thực tế, bổ sung lĩnh vực thảm họa, dịch bệnh, tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo ưu tiên sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong giai đoạn này.
Theo Quyết định 2109/QĐ-TTg, định hướng phân bổ vốn ODA và vay ưu đãi của các NTTNN giai đoạn 2021 - 2025 theo vùng kinh tế, được ưu tiên ODA không hoàn lại và ODA vốn vay cho các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội khó khăn thông qua cơ chế cấp phát từ ngân sách trung ương. Ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các các NTTNN các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp các vùng, địa phương khó khăn phát triển kinh tế, dần bắt kịp với các vùng, địa phương khác. Cùng với đó, ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các NTTNN tại các vùng, địa phương có khả năng huy động vốn trong nước thấp; các dự án hỗ trợ giải quyết các vấn đề bức xúc trong quá trình đô thị hóa nhanh ở các tỉnh.
Ưu tiên sử dụng vốn vay ưu đãi của các NTTNN cho các địa phương phát triển, các dự án phù hợp với trình độ phát triển, năng lực hấp thụ và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài của địa phương tiếp nhận; các dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long để có điều kiện phát triển nhanh hơn.
Tăng tốc giải ngân vốn ODA
Sau hội nghị Giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài tại Bộ Tài chính tháng 6/2021, tình hình giải ngân của các địa phương đã có bước cải thiện rõ rệt. Trong 11 tháng của năm 2021 lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA của các bộ, ngành đạt gần 22% kế hoạch được giao, tăng hơn 2 lần số giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 11,51% dự toán.
Tuy vậy việc triển khai thực hiện nguồn vốn vay nước ngoài ODA tại nhiều tỉnh vẫn còn rất thấp. Theo số liệu của Bộ Tài chính, nhiều tỉnh tiến độ giải ngân mới chỉ qua "vạch xuất phát", như tỉnh Kon Tum báo cáo mới giải ngân được 11% kế hoạch, Quảng Trị gần 12%, An Giang ước đạt 14%, Cà Mau trên 20% và Bạc Liêu là 24%... Theo ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), hiện còn 36 địa phương có tỷ lệ vốn giải ngân vốn vay ODA dưới 30%.
Nguyên nhân chậm giải ngân do tác động của đại dịch Covid-19 đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài tiếp tục nặng nề, do nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, Covid-19 dẫn đến việc thời gian nhận được ý kiến không phản đối của các nhà tài trợ kéo dài…
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là do các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng; dự án đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư… Ngoài ra còn do địa phương chuẩn bị dự án chưa tốt và đề nghị vốn quá cao.
Về các đề xuất của địa phương xin kéo dài, điều chuyển, cắt giảm vốn ODA, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Đức Tâm cho biết, theo quy định, các dự án đã phân bổ song không giải ngân được sẽ thu lại và trừ trong kế hoạch trung hạn đồng thời không bố trí tiếp.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, địa phương cần trân trọng những đồng vốn đầu tư, đặc biệt tại các tỉnh vẫn còn nghèo. Khi đầu tư công bỏ vào một đồng thì các nguồn lực trong xã hội huy động thêm mười đồng. Vì vậy, vốn đầu tư công xác định giống như vốn mồi, các địa phương cố gắng đáp ứng giải ngân nhằm tạo nền tảng kích cầu và phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, tăng GDP để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Theo định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA, vay ưu đãi, phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 với chủ trương ưu tiên cho các dự án lớn, thúc đẩy phát triển bền vững nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của dự án.