Trong giai đoạn 2011 - 2020, Ủy ban Dân tộc đã đẩy mạnh công tác CCHC, tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật; kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế…
Ủy ban Dân tộc đã tập trung triển khai các nhóm 22 nhiệm vụ về xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, xây dựng và sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý, điều hành tác nghiệp, cơ sở dữ liệu theo hướng thống nhất, đồng bộ kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trong những năm qua, kết quả chấm điểm, xác định chỉ số CCHC (Par index) của Ủy ban Dân tộc luôn ở nhóm thấp nhất khối các bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn cho biết, nguyên nhân cơ bản là do 4 khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Ủy ban Dân tộc chủ yếu thực hiện công tác tổng hợp, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong việc tham mưu, xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hiện nay Ủy ban Dân tộc không có nội dung công việc phân cấp cho địa phương.
Tiếp đó, về tiêu chí, tiêu chí thành phần tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng theo quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg, Ủy ban Dân tộc không thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành, không có máy móc, thiết bị chuyên dùng.
Thứ nữa, về thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Thực hiện Quyết định 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, từ khi triển khai công tác này đến nay, Ủy ban Dân tộc chưa nhận được hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân nào qua dịch vụ bưu chính công ích.
Và cuối cùng, về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, hiện nay do đặc thù đối tượng áp dụng, tính chất của thủ tục hành chính và tần suất phát sinh giải quyết thủ tục hành chính của Ủy ban Dân tộc chưa phù hợp để triển khai. Các thủ tục hành chính được 23 thực hiện chủ yếu là xét khen thưởng và xét tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn cho biết, với những cố gắng và kết quả nêu trên, cùng với những điểm chưa hợp lý trong khâu chấm điểm, xác định chỉ số CCHC, Ủy ban Dân tộc đã báo cáoThường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét điều chỉnh việc chấm điểm, xác định chỉ số cải cách hành chính của Ủy ban Dân tộc.
Theo đó, Ủy ban Dân tộc đề xuất theo một trong hai hướng: Có thể do đặc thù riêng cho nên không chấm điểm, công bố chỉ số cải cách hành chính của Ủy ban Dân tộc cùng với khối các bộ, ngành. Hoặc hướng thứ 2 là: Nếu chấm điểm và công bố cùng với các bộ, ngành thì những nhiệm vụ Ủy ban dân tộc không có chức năng thực hiện phải chấm điểm tối đa.