Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Hợp tác xã

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 16/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật

Báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp

Về tổ hợp tác (Chương IX), việc quy định về tổ hợp tác tại dự thảo Luật là cần thiết nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ hợp tác và phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Tuy nhiên, do nhiều nội dung liên quan đến tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự nên tại dự thảo Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về tổ hợp tác.

Việc đăng ký tổ hợp tác, chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã là không bắt buộc, chỉ mang tính khuyến khích nhằm một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển trên tinh thần tự nguyện thành lập nhưng mặt khác cũng cần có sự quản lý nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác. Chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác xã tương tự như chính sách hỗ trợ hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật số 04/2017/QH14).

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần tính toán quy định thêm về điều kiện chuyển đổi, như thời gian hoạt động tối thiểu của tổ hợp tác trước khi chuyển đổi thành hợp tác xã… nhằm tránh trường hợp trục lợi chính sách.

Liên quan đến việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW (Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là thống nhất triển khai theo Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ, không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều chỉnh các nội dung về 8 chính sách từ 1 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Bảo đảm tính bao quát đối với các loại hình kinh tế tập thể

Tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình, thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế; đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ, tiếp thu và giải trình đầy đủ, cụ thể ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Về tên gọi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến của Ủy ban Kinh tế là tiếp tục giữ tên Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, tên gọi hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam, việc giữ lại tên này cũng bảo đảm tính bao quát đối với các loại hình kinh tế tập thể
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, tên gọi hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam, việc giữ lại tên này cũng bảo đảm tính bao quát đối với các loại hình kinh tế tập thể

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, tên gọi hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam, việc giữ lại tên này cũng bảo đảm tính bao quát đối với các loại hình kinh tế tập thể, nếu sửa tên thì việc sửa đổi, đối chiếu với các Luật khác cũng rất khó khăn.

Về Tổ hợp tác, khoản 2, Điều 105 của dự thảo Luật quy định: Tổ hợp tác phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi hợp đồng hợp tác không có thời hạn hoặc có thời gian hợp tác từ 6 tháng trở lên và có góp vốn; khuyến khích các tổ hợp tác khác đăng ký theo quy định của Chính phủ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, có mâu thuẫn ngay trong chính quy định này, vì vậy nên bỏ cụm từ “khuyến khích” trong khoản này để bảo đảm tính chặt chẽ trong văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để quy định thời gian hoạt động của Tổ hợp tác cho đến khi được chuyển đổi thành hợp tác xã.

Để hoàn thiện hơn nữa dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, các chính sách hỗ trợ hợp tác xã đang quy định từ Điều 17 đến Điều 28 dự thảo Luật phải có dự thảo Nghị định hướng dẫn của Chính phủ kèm theo thì Quốc hội mới có cơ sở để xem xét thông qua. So với Luật cũ, dự thảo Luật đã có nhiều tiến bộ nhưng một số quy định vẫn còn dừng lại ở mức chủ trương. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần rà soát, chắt lọc một số nội dung lớn trong dự thảo Nghị định để luật hóa, đưa vào dự án Luật thì mới có tính khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc hoàn thiện dự thảo Luật
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc hoàn thiện dự thảo Luật

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc hoàn thiện dự thảo Luật, tuy nhiên, vì có sự thay đổi về tên gọi, nên phải rà soát kỹ lưỡng từng điều, khoản trong dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát để tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung dự án Luật xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tới đây; lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan; đồng thời chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để bảo đảm chất lượng của dự án Luật khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chịu trách nhiệm đến cùng với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tiếp đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần