Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết lập thành phố Thủ Đức

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Với 100% số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng việc thành lập thành phố Thủ Đức là rất cần thiết nhằm nâng cao vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế của cả nước.
Cần thiết thành lập thành phố Thủ Đức
Trình bày Tờ trình về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết khu vực Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng-Quốc lộ 1K, Quốc lộ 52...
 Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)
Qua hơn 20 năm phát triển, ba quận đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều thành tựu vượt bậc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, hạ tầng cơ sở phát triển. Tại đây, nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới đã hình thành, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2019, ba quận phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai). Giai đoạn 2016-2019, thu ngân sách đạt 37.158 tỷ đồng, chi ngân sách 11.174 tỷ đồng.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện (Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức) nhằm thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Thành phố Thủ Đức được thành lập sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây sẽ là hạt nhân, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế phía Nam phát triển.
Để có cơ sở xây dựng, phát triển thành phố Thủ Đức theo định hướng đô thị sáng tạo, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương nghiên cứu, lập Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức để tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng, chỉnh trang đô thị trên địa bàn; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện kéo dài đối với những vấn đề còn tồn đọng như quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần có giải pháp huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức trong thời gian tới; kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức; đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức để có thể đảm đương được các công việc của chính quyền đô thị thông minh...
Thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức
Các đại biểu cho rằng việc thay đổi lại cấu trúc đơn vị hành chính phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp. Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước, có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định quá trình xây dựng đề án thành lập thành phố Thủ Đức và điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã được tiến hành rất kỹ; lấy ý kiến đông đảo của nhiều nhà khoa học, lão thành cách mạng; tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và nhận được sự đồng tình của đa số người dân.
 Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
"Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân để dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau khi thành lập, với mục tiêu trở thành một thành phố sáng tạo, thành phố Thủ Đức có thể đóng góp tới 7% GDP cả nước," ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Liên quan đến việc thành lập Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân của thành phố Thủ Đức, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết sau khi thành lập thành phố Thủ Đức, quy mô dân số và công việc sẽ khác hẳn so với trước đây. Các vụ án của cả 3 quận gộp lại đã vượt quá số lượng của một số tỉnh (trên 6.000 vụ án).
Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, căn cứ vào khối lượng công việc cho thấy, nguồn nhân lực ngành Tòa án đang thiếu nghiêm trọng. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị Thường vụ Quốc xem xét, quyết định bổ sung biên chế để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương cũng như đầy đủ các cơ sở pháp lý quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Bên cạnh đó, Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua cũng cho phép thành lập chính quyền đô thị thành phố trong thành phố; trình tự thủ tục hồ sơ được các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, lấy ý kiến đông đảo cử tri trên địa bàn.
Về việc thành lập cơ quan Tư pháp tại thành phố Thủ Đức, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dù sáp nhập nhưng do khối lượng công việc lớn, nhân lực lại thiếu nên đây là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp đồng ý cho cán bộ tư pháp của thành phố này có chế độ đặc thù riêng so với cấp quận, huyện nhưng phải có sự đồng bộ trong cả hệ thống chính trị của thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, để đảm bảo sự đồng bộ với các cơ quan khác cũng như chính sách chế độ tiền lương, vị trí việc làm, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, vấn đề này sẽ được xem xét sau.
Với 100% số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2021. Từ thời điểm này, Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 16 quận, 5 huyện, 1 thành phố); 312 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 58 xã, 249 phường, 5 thị trấn).
Mô hình chính quyền địa phương ở thành phố Thủ Đức có cả Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố; tuy nhiên các phường thuộc Thủ Đức sẽ không tổ chức Hội đồng Nhân dân.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập: thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc điều chỉnh vốn viện trợ nước ngoài năm 2020 của tỉnh Quảng Nam; tổng kết Kỳ họp thứ 10 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần