Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Phát huy truyền thống 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, gương mẫu đi đầu, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 1010 năm, vào mùa Thu năm 1010, Thái tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (tức Thăng Long), mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của Kinh đô quốc gia Đại Việt.

Từ mốc son lịch sử đó, đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, trải qua 1010 năm với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn giữ khí phách hiên ngang, vượt qua mọi gian nguy trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, thành phố vì hoà bình. 
Trải qua 1010 năm, đồng hành với bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, mảnh đất mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa rất đỗi thiêng liêng; nơi hội tụ tinh hoa sông núi, khí phách của cha ông và cũng là nơi tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của con người, dân tộc Việt Nam là niềm tự hào và thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm tin yêu đối với bạn bè quốc tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tham quan nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải

Ngược dòng thời gian, với một tư duy mẫn tiệp, Thái tổ Lý Công Uẩn (vị vua khai sáng triều đại nhà Lý) đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, vùng đất có “thế rồng cuộn hổ ngồi”, “núi sông sau trước”. Trong “Chiếu dời đô”, khi nói về đất Thăng Long, Thái tổ Lý Công Uẩn viết: “…Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…” (theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, tập I, Nhà xuất bản Khoa học Hà Nội, 1993). Và từ mùa Thu năm 1010 ấy, Thăng Long chính thức được ghi vào sử sách của dân tộc ta với biết bao huyền thoại đẹp, nhiều chiến tích vẻ vang và khởi nguồn cho một bước chuyển mình thịnh vượng của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống quật cường của Thăng Long - Hà Nội, mùa Thu năm 1945, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, tự do và dân chủ mà còn là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, ngày 19/8/1945 có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân Việt Nam, dẫn tới sự kiện lịch sử trọng đại: Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tiếp theo đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm mở đầu bằng sự kiện “Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa” và kết thúc bằng sự kiện “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” giải phóng Thủ đô vào ngày 10/10/1954.

Từ một Thủ đô nghèo nàn, lạc hậu và đổ nát sau chiến tranh, với sức mạnh đoàn kết, sáng tạo Hà Nội đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong 10 năm tiếp theo (1965 - 1975), Hà Nội vừa tích cực sản xuất, xây dựng Thủ đô, vừa hết lòng chi viện cho miền Nam ruột thịt; đồng thời, trực tiếp chiến đấu và đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Đặc biệt 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Hà Nội đã gan dạ, kiên cường cùng với các quân, binh chủng và các tỉnh, thành lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cả nước vào ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.

Những năm tiếp sau đó (từ 1975 - 1985), đất nước lại đứng trước những thử thách mới rất gay gắt khi vừa lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, vừa bị các thế lực thù địch ra sức chống phá, bao vây, cấm vận. Tiếng súng lại vang lên trên biên giới Tây Nam và phía Bắc. Hà Nội lại cùng Nhân dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu, tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, khắc phục khó khăn, xoá bỏ tình trạng quan liêu bao cấp, từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế và bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng qua 35 năm đổi mới đất nước, Hà Nội đã đổi thay nhanh chóng, kinh tế Thủ đô đã vượt qua suy thoái, liên tục tăng trưởng ở mức cao, bình quân 9,5%/năm trong giai đoạn 1990 - 2000. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, từng bước hiện đại. Đến năm 2003, so với trước đổi mới, kinh tế Thủ đô tăng 5,1 lần, công nghiệp tăng 5,9 lần, dịch vụ tăng 5,0 lần, nông - lâm - thủy sản tăng 2,4 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1 lần.

Ngày 1/8/2008, tiếp tục đánh dấu một bước chuyển mới khi Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Hà Nội đã khẩn trương ổn định bộ máy, triển khai một khối lượng công việc to lớn, bảo đảm cho mọi hoạt động sản xuất, đời sống, từ kinh tế, xã hội đến quốc phòng, an ninh được triển khai nhịp nhàng, thông suốt.
Một góc Hà Nội nhìn từ phía Tây. Ảnh: Công Hùng
Trong suốt chặng đường đổi mới, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Tại thời điểm này, mức tăng trưởng hàng năm đều tăng gấp 1,5 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh tích cực được cải thiện (chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố) hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài luôn dẫn đầu cả nước (năm 2019 đạt 8,05 tỷ USD mức cao nhất trong 30 năm đổi mới và hội nhập). Ngoài ra, an sinh xã hội được đảm bảo. Đến cuối năm 2019, 100% hộ dân ở khu vực đô thị và 75% hộ dân ở khu vực nông thôn đã được cung cấp nước sạch (năm 2015 đạt 37%), vượt chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng (gấp 1,36 lần năm 2016). Tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 90,1%.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Đến cuối năm 2020, ước có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 96,5%) và hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang. Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự kỷ cương đô thị có chuyển biến tích cực. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước.

Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở với phương châm sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước. Trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ... Đồng thời, việc liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước ngày càng được tăng cường; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô được nâng cao.

Đảng bộ thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, khóa XII của Đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo được những chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền có chuyển biến tích cực. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới.

Từ một thành Đại La chu vi khoảng 6km với hơn 5.000 nếp nhà, đến nay diện tích Hà Nội là 3.342,92km²; dân số gần 10 triệu người với 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất với 50 tổ chức Đảng trực thuộc, chiếm gần 10% số đảng viên của cả nước và có 2.300 tổ chức cơ sở Đảng. Mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng, phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Ngày 30/10/2019, UNESCO tiếp tục chính thức công nhận Hà Nội vào mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”. Đây là cơ hội thuận lợi cho thành phố trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, đưa Hà Nội thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất và chi viện cho tiền tuyến, Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh 4 lần gửi thư khen thưởng. Cụ thể, ngày 15/12/1966, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi quân và dân Hà Nội. Bác viết: “Hà Nội vừa chiến đấu khá, vừa sản xuất khá, vừa giữ gìn trật tự, trị an tốt. Bác rất vui lòng thay mặt T.Ư Đảng và Chính phủ khen bộ đội, đồng bào, cán bộ Hà Nội và tặng Thủ đô lá cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hà Nội được Nhà nước ba lần tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”; lực lượng vũ trang Hà Nội hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thăm gian hàng gốm sứ của làng nghề Bát Tràng, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII.

Nhìn lại chặng đường đã qua, vui mừng trước những thành tựu và tiến bộ đã đạt được, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội không tự mãn, luôn trăn trở về những việc chưa làm được, những yếu kém, khuyết điểm trong nhiều lĩnh vực. Kinh tế Thủ đô có sự tăng trưởng khá về quy mô và tốc độ nhưng chất lượng và tính bền vững chưa cao. Thành phố cũng chưa khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế trên địa bàn Thủ đô; việc quản lý quy hoạch, trật tự đô thị vẫn còn nhiều yếu kém. Cải cách hành chính có những tiến bộ vượt bậc, song tính chủ động, năng động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; đây đó vẫn còn để xảy ra những vấn đề bức xúc của dân. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) còn thấp; văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Trong quá trình phát triển, Hà Nội luôn nhớ lời căn dặn của Bác Hồ “Thủ đô phải gương mẫu, đi đầu cả nước trong các phong trào thi đua, thực hiện các nhiệm vụ chính trị”. Để xứng đáng là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế, giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò đầu não, đặc biệt quan trọng của Thủ đô có lịch sử 1010 năm “Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị”. Đây là sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để nâng tầm vóc Thủ đô trong thời gian tới; đi đầu trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy mọi khả năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế; phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 7,5% trở lên. Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Hà Nội đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Thành phố sẽ tập trung tạo bước đột phá về thể chế gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô và triệt để phân cấp, ủy quyền gắn với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn; đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lấy khoa học - công nghệ làm động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt, chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ. Trước mắt, tập trung chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng Nhân dân cả nước vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước lập những thành tích mới để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và bạn bè quốc tế.