Uyển chuyển sản xuất, bảo đảm nguồn cung sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên cả nước. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ chăn nuôi dịp cuối năm, ngành nông nghiệp đã xây dựng các kịch bản sản xuất uyển chuyển thích nghi với tình hình dịch bệnh.

Sản xuất uyển chuyển thích ứng với dịch Covid-19
Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản... Tuy nhiên, chăn nuôi cơ bản phát triển ổn định, 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, trên 12 tỷ quả trứng và gần 900.000 tấn sữa. Ngành chăn nuôi cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm cho người dân trong cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm 30-50%, dẫn đến việc ứ đọng sản phẩm, giá tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi giảm sâu trong các tháng gần đây.
 Giá lợn đã tăng trở lại, khuyến khích người chăn nuôi tái đàn
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng, thời điểm này, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, song lượng nhân công lao động chưa trở lại TP lớn để làm việc, trường học vẫn đóng cửa, quán ăn mở đón khách với số lượng ít nên mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế... Do đó, đầu ra cũng như giá cả sản phẩm chăn nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, Cục Chăn nuôi đã đưa ra 3 kịch bản cho những tháng cuối năm. Các kịch bản được xây dựng uyển chuyển tùy vào mức độ tác động của dịch Covid-19. “Với tổng đàn hiện có, cùng tốc độ tái đàn như hiện nay, cơ bản ngành chăn nuôi chủ động được nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu, kể cả nhu cầu của dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần” – ông Nguyễn Văn Trọng khẳng định.
Ở góc độ địa phương, các tỉnh cũng xây dựng phương án uyển chuyển thích nghi với dịch. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, để chủ động thích ứng với dịch Covid-19, Bình Phước đã đặt ra 2 giả thuyết, trong đó nếu dịch Covid-19 trong tháng 10 được khống chế, mọi kế hoạch nông nghiệp đề ra đầu năm cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên. Với kịch bản 2, dịch Covid-19 kéo dài, các chỉ tiêu sẽ được tỉnh điều chỉnh để phù hợp với điều kiện vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất.
Tại Hà Nội, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng tình hình chăn nuôi trên địa bàn TP vẫn ổn định, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân Thủ đô. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang triển khai các phương án sản xuất an toàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm. Theo đó, tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm là ưu tiên hàng đầu.
“Chủ trương của Hà Nội là giữ vững tổng đàn gia cầm khoảng 40 triệu con và tăng tổng đàn gia súc, trong đó đưa đàn lợn của Thành phố lên 1,6-1,8 triệu con, với sản lượng xuất chuồng khoảng 250.000 tấn vào cuối năm 2021. Với số lượng và sản lượng như vậy sẽ cơ bản đáp ứng nguồn cung cho người dân Thủ đô, kể cả dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022” – ông Tạ Văn Tường khẳng định.
 Chăn nuôi vịt tại Liên Bạt, Ứng Hòa
Cần thêm cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi
Tuy nhiên, thực tế trong một thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19, nhiều người chăn nuôi kiệt quệ, không có khả năng tái đàn. Đặc biệt, đây là thời điểm người chăn nuôi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất Tết Nguyên đán 2022. Vì vậy, để người chăn nuôi an tâm sản xuất, phát triển đàn vật nuôi, ngay lúc này, các cơ quan chuyên môn, nhà quản lý cần đưa ra những định hướng sản xuất cụ thể dựa trên nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đặc biệt là thị trường tiêu thụ dịp Tết để bà con có phương án sản xuất cụ thể.
Đứng ở góc độ DN chăn nuôi, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam Vũ Anh Tuấn kiến nghị, để duy trì sản xuất, bảo đảm chăn nuôi tăng trưởng ổn định, các bộ, ngành cần thông tin rõ ràng về nhu cầu thị trường, giá cả, tổng đàn vật nuôi để người chăn nuôi nhỏ lẻ nắm rõ thông tin, tránh tình trạng bán chạy lợn dẫn tới giá giảm.
Tương tự, Giám đốc Công ty CP kinh doanh thuốc thú y Amavet Nguyễn Văn Bách mong muốn, các ngành chức năng cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để giảm nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm, ổn định thị trường trong nước. Cùng với đó, Cục Chăn nuôi cần thực hiện công tác thống kê, quy hoạch chăn nuôi để sản xuất theo nhu cầu thị trường nhằm giảm tiềm ẩn rủi ro.
Đứng ở góc độ nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương (cám, ngô, sắn...) tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro, giảm chi phí trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; xem xét giảm thuế thu nhập DN phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; có chính sách đất đai cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.