V.League và nỗi sợ vinh dự

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại AFC Cup 2017, bóng đá Việt Nam có hai đại diện tham dự là Hà Nội FC và Than Quảng Ninh.

Trong khi Hà Nội FC đang tạm có ngôi đầu, Than Quảng Ninh đã bị loại dù còn một trận chưa đấu. Sự thoái lui của Than Quảng Ninh khiến người ta nhớ đến nỗi ám ảnh mang tên đấu trường quốc tế của các đội bóng V.League.

Thoái lui chiến lược

Than Quảng Ninh đã đá 3 trận tại AFC Cup nhưng mới chỉ kiếm được 1 điểm. Đáng nói, đối thủ của họ đến từ Singapore và Myanmar vốn được đánh giá không cao.

Thành tích kém cỏi khiến Than Quảng Ninh là đội bóng đầu tiên bị loại khỏi AFC Cup. Cách buông súng quá dễ dãi của đội bóng này khiến giới hâm mộ cảm thấy không hài lòng và chỉ trích đội bóng này dữ dội. Họ cho rằng, đội bóng thi đấu không hết mình và phụ lại sự yêu mến của khán giả. Thế nhưng, những người hiểu chuyện lại cho rằng, đội bóng này đang thoái lui chiến lược do cảm thấy nặng gánh trong hành trình chinh phục giấc mơ châu lục. Than Quảng Ninh còn non kinh nghiệm nên khó có thể tiến xa. Nhưng, quan trọng nhất chính là việc, thực lực của đội bóng này không quá mạnh và thi đấu ở đấu trường cao cấp khiến họ cảm thấy khó khăn về mọi bề. Mà với các đội bóng ở V.League, nỗi ám ảnh lớn nhất chính là kinh phí bởi các đội bóng vốn có nền tảng tài chính không ổn định. Càng thi đấu nhiều họ sẽ càng tốn kém mà danh hiệu thì chưa chắc đã có.

Nặng gánh vì thiếu nền tảng

Với các nền bóng đá phát triển, việc có suất sự AFC Cup là vinh dự, thậm chí mang đến cơ hội để các đội bóng nâng cao vị thế, tạo ra dòng tiền dồi dào. Với họ, được tham dự đấu trường lớn sẽ giúp khai thác được nhiều nguồn tài trợ. Nhưng ở Việt Nam thì khác, ngoài sự tốn kém và phiền phức, các đội bóng Việt Nam hầu như không kiếm thêm được khoản nào. Tiền hỗ trợ mỗi trận đấu của AFC chỉ đủ để mua vé máy bay đi sân khách còn muôn vàn khoản chi khác khiến các đội bóng phải “nâng lên đặt xuống”.

Công tác vận động tài trợ, khai thác thương quyền, kinh doanh bóng đá ở Việt Nam luôn là hạn chế. Các đội bóng không kiếm được các khoản tiền lớn dù họ được thi đấu ở những giải đấu quan trọng. Theo tìm hiểu, được tham dự AFC Cup không giúp Than Quảng Ninh có thêm bất cứ khoản tiền tài trợ nào. Trái lại, đội bóng này còn phải xây dựng khoản tiền dự phòng cho giải đấu quốc tế. Chưa hết, việc không được tổ chức các trận đấu trên sân nhà khiến cả Hà Nội FC lẫn Than Quảng Ninh chịu tổn thất lớn về tài chính. Họ không những không thể bán vé, khai thác tài trợ mà còn phải bỏ tiền ra thuê sân, thuê bộ máy tổ chức các trận đấu. Tính ra, mỗi trận đấu được tổ chức tại Mỹ Đình đội bóng Than Quảng Ninh phải chi không dưới 500 triệu đồng.

Thực ra các đội bóng Việt Nam không thể trách AFC quá cứng nhắc khi không đồng ý cho tổ chức trận đấu trên sân nhà. AFC muốn các đội bóng phải có hệ thống cơ sở vật chất đủ đáp ứng tổ chức những trận cầu đỉnh cao. Nhưng, tại Việt Nam, do các đội bóng còn nghèo nên VFF phải xuê xoa trong việc cấp phép thi đấu. AFC thì khác, họ cứ theo quy định mà áp nên hầu hết các đội bóng tại V.League không đủ điều kiện tổ chức thi đấu quốc tế. Và khi ấy, cái khó, bó cái khôn, nỗi ám ảnh mang tên đấu trường quốc tế có nguy cơ kéo lùi sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần