Vạ lây Eurozone, các nước nghèo được “đền” 200 tỷ USD

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra ở châu Âu không chỉ khiến nền kinh tế các nước trong khu vực đồng Euro (Eurozone) bị ảnh hưởng mà các nước nghèo cũng lao đao vì thiếu hụt nguồn tài trợ.

Nước nghèo "ngấm đòn"

Phát biểu trước khi diễn ra Hội nghị G20 tại Pháp ngày 3 và 4/11, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Robert Zoellick cho biết, các ngân hàng phát triển có thể cùng WB cấp 200 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nước nghèo vượt qua các cú sốc do cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone gây ra.

Ông Zoellick cho rằng, các nước đang phát triển đang "ngấm đòn" cuộc khủng hoảng nợ Eurozone khi những biến động thị trường ngày càng gia tăng, nhu cầu giảm sút và các tín hiệu thu hẹp tài trợ thương mại ở Tây Phi. Ông Zoellick tin tưởng với sự hỗ trợ của các ngân hàng phát triển khu vực WB có thể tài trợ hơn 200 tỷ USD, trong đó nguồn vốn riêng của WB vào khoảng 115 tỷ USD. Ông Zoellick kêu gọi G20 hành động để lấy lại niềm tin của thị trường, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và tạo việc làm, những nhân tố hỗ trợ các nước đang phát triển.

Theo ông Zoelick, giải pháp đối phó với khủng hoảng mà các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra tuần trước là kịp thời, nhưng thách thức là châu Âu phải tạo dựng và củng cố lòng tin để tránh hủy hoại thêm nền kinh tế. Ông Zoellick cũng hối thúc G20 hành động để ngăn chặn tình trạng biến động giá lương  thực đang làm người nghèo thêm khốn khó. Chỉ số giá lương thực hàng quý mới nhất của WB cho thấy giá lương thực toàn cầu vẫn ở mức cao và luôn biến động. Chỉ số đó chỉ giảm 1% trong tháng 9, thấp hơn 5% so với mức đỉnh hồi tháng 2, nhưng vẫn cao hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế thế giới vẫn còn yếu ớt

Ông Zoellick cảnh báo kinh tế thế giới vẫn còn yếu ớt và có thể sẽ nhanh chóng suy sụp, nếu không duy trì được động lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Eurozone. Một trong những cách thức thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu là đảm bảo các nước đang phát triển nằm trong bất cứ kế hoạch nào của G20 nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm thông qua đầu tư cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy thương mại.

Trong khi đó,  mạng tin "iPOLITICS.ca" cho biết, nhiều nhà kinh tế nghĩ rằng châu Âu đang tiến gần đến một cuộc suy thoái mà sẽ gây tổn hại cho Mỹ, Trung Quốc và các nước khác có nền kinh tế phụ thuộc vào lục địa này. Điều đó được minh họa qua dữ liệu mới nhất của hệ thống theo dõi hàng quý của hãng tin AP trên 30 quốc gia. Cụ thể là bốn nước Italia, Tây Ban Nha, Anh và Na Uy, có tăng trưởng dưới 1% trong quý III (trong khi các nền kinh tế nói chung phải tăng trưởng ít nhất 2,5%/năm để giữ tỷ lệ thất nghiệp không tăng). Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, với 21,2% trong tháng 8, tiếp theo là Ba Lan 9,4%. Hy Lạp và Italia đang chịu sức nặng của nợ chính phủ. Các khoản nợ của Hy Lạp tương đương với 161% GDP trong quý I. Nợ chính phủ của Italia là 113% GDP. Thị trường tài chính ngày một lo lắng hơn về nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp và có lẽ cả các quốc gia lớn hơn như Italia.

Những nước lớn hơn đang tăng thuế và cũng có thể phải cắt giảm chi tiêu. Italia, nền kinh tế thứ 3 châu Âu, đang thực hiện một gói trị giá 76 tỷ USD cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư trái phiếu rằng quốc gia này sẽ không bị vỡ nợ.