Điều đáng nói, hành vi trên đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống những người dân thuộc 2 xã Thụy Lâm và Vân Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng
Làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong có nghề tái chế phế liệu. Nghề này đã giúp người dân nơi đây ngày một khấm khá, nhưng cũng đang để lại không ít hệ lụy. Phế liệu được người dân Quan Độ mua về, tập kết bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, giáp ranh với 2 xã Vân Hà và Thụy Lâm (huyện Đông Anh) rồi tiến hành đốt thu hồi kim loại sắt, đồng. Nhiều loại phế thải không thể tái chế cũng được đốt, nên khói, bụi từ đây theo gió bay trùm sang các xã Vân Hà và Thụy Lâm.
Dù ngày hay đêm, người dân thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lâm) và thôn Vân Điềm (xã Vân Hà) của huyện Đông Anh vẫn phải sống chung với khói bụi |
Trưởng thôn Vân Điềm (xã Vân Hà) Nguyễn Đình Tính cho biết, tình trạng trên thường xuyên diễn ra vào buổi tối. Nhiều gia đình sống giáp xã Văn Môn cứ 19 - 20 giờ tối là đã phải đóng kín cửa vì khói, bụi dày đặc bay vào nhà, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn.
Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn Nguyễn Duy Phúc thừa nhận: Thời gian qua, tại khu vực bãi rác thôn Quan Độ có hiện tượng các hộ thu mua phế liệu về đốt, gây ô nhiễm. Xã cũng đã triển khai lực lượng mật phục, bắt quả tang, xử phạt một số trường hợp, đồng thời, yêu cầu các hộ phải ký cam kết tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, tình trạng đốt phế thải đến nay vẫn tiếp diễn. Vấn đề nghiêm trọng tới mức Thanh tra Bộ TN&MT đã phải có các Văn bản số 369/TTr-TDXLĐT ngày 3/8/2016 và Văn bản số 74/TTr-TDXLĐT ngày 21/2/2017 đề nghị tỉnh Bắc Ninh khẩn trương đôn đốc xử lý nội dung phản ánh của công dân về việc “người dân thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong thường xuyên sử dụng hóa chất độc hại để đốt rác, phế thải, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường”.
Không kiên quyết, thiếu trách nhiệm
Ngày 17/2/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Công văn số 375/UBND-NN.TN yêu cầu huyện Yên Phong chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm trình trạng trên trước ngày 24/2/2017. Văn bản nhấn mạnh: Chủ tịch UBND huyện Yên Phong chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình trạng trên tái diễn.
Văn bản là vậy, tuy nhiên, thực tế vẫn không có chuyển biến. Mới đây nhất, ngày 15/8/2017, UBND huyện Đông Anh có Văn bản số 1006/UBND-TNMT đề nghị Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong xử lý tình trạng đốt phế thải công nghiệp tại xã Văn Môn. Theo Trưởng phòng TN-MT huyện Đông Anh Nguyễn Lê Hiến, địa phương chỉ có thể có các văn bản đề nghị huyện Yên Phong “quan tâm xử lý”, chứ không thể trực tiếp can thiệp. Ông Hiến cho rằng, để xử lý dứt điểm, chỉ cần xã Văn Môn, huyện Yên Phong yêu cầu các hộ làm nghề tái chế phải ký hợp đồng thu gom và BVMT. Thế nhưng không hiểu vì sao trong các văn bản đôn đốc, chỉ đạo việc xử lý, huyện Yên Phong chỉ yêu cầu các hộ… ký cam kết BVMT (?).
Một sự việc tưởng chừng không quá phức tạp lại bị kéo dài suốt nhiều năm qua đặt ra câu hỏi đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền xã Văn Môn và huyện Yên Phong. Đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị liên quan sớm giải quyết dứt điểm câu chuyện nêu trên. Trong đó, cần nghiêm khắc xem xét việc yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Phong “chịu trách nhiệm nếu để tái diễn” như trong Công văn số 375 đã nêu.