Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vaccine Covid-19: Không chỉ trông chờ hàng ngoại

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/2, lô vaccine Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh, mang lại hy vọng mới trong cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nguồn vaccine do Việt Nam sản xuất mới là giải pháp để mọi người dân đều được tiêm vaccine Covid-19 trong thời gian tới.
117.600 liều vaccine đã về Việt Nam

10 giờ sáng ngày 24/2, đã có 117.600 liều vaccine Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã về Việt Nam. Những lô vaccine này được phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vào đầu tháng 2/2021. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Hiện, Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác để cung cấp đầy đủ cho người dân trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
 Lãnh đạo Bộ Y tế có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất đón lô vaccine Covid-19 đầu tiên về Việt Nam.
“Vaccine này sẽ giúp chúng ta tiến một bước gần hơn tới việc vượt qua đại dịch Covid-19 và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác tích cực của các cơ quan, bộ, ngành liên quan đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với vaccine phòng Covid-19” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Theo ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, những liều vaccine đầu tiên này sẽ trải qua quy trình kiểm định chất lượng cuối cùng trước khi được bàn giao cho Bộ Y tế/Hệ thống tiêm chủng VNVC để bắt đàu công tác tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên. Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy, vaccine Covid-19 AstraZeneca bảo vệ 100% khỏi brệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy, vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Tỷ lệ đáng kể này được xác định dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hàng tuần các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.

Lô vaccine này được sản xuất bởi AstraZeneca thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu. Vaccine đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Trong năm 2021 không thiếu vaccine

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm 2021, Bộ Y tế đảm bảo sẽ cung cấp 90 triệu liều vaccine.
 Nhân viên y tế phun khử khuẩn lô vaccine trước khi đưa về kho bảo quản để tiêm cho người dân Việt Nam.
Hiện nay vaccine có các nguồn sau: Thứ nhất, nguồn Covax Facility khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều này. Thứ hai, nguồn của AstraZeneca, ngày 23/2 Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối cùng với AstraZeneca và Công ty VNVC mua 30 triệu liều. Ngày 25/2, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ thực hiện theo Điều 26 của Luật Đấu thầu cho mua vaccine theo cơ chế đặc biệt để Việt Nam sớm có vaccine. Thứ ba, nguồn vaccine của Pfizer. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vaccine này. Thứ tư, Bộ Y tế đang tích cực đàm phán để có nguồn vaccine Sputnik V của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.

Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác. “Như vậy, trong năm 2021 chúng tôi đảm bảo không thiếu vaccine. Đây sẽ là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành để đẩy nhanh tiến độ tiêm , đảm bảo độ bao phủ”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Giải pháp lâu dài

Theo các chuyên gia y tế, để chủ động và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho mọi đối tượng người dân, Việt Nam cần phải đẩy mạnh sản xuất, cung ứng vaccine nội địa. Hiện nay, ở Việt Nam có 4 cơ sở (Vabiotech, Ivac, Nanogen và Polyvac) đăng ký sản xuất vaccine Covid-19. Đến nay, vaccine của Nanogen (vaccine Nanocovax) đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, kết quả cho thấy, vaccine đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả khi tiêm trên người. Còn vaccine của Ivac (vaccine Covivac) cũng đã thử nghiệm ở giai đoạn 1, cho kết quả tốt. Cùng với vaccine Nanocovax, Covivac, tiến độ sản xuất vaccine của Vabiotech đang tiến hành theo đúng kế hoạch, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Về những thách thức, trở ngại trong việc sản xuất vaccine, theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, việc sản xuất vaccine Covid-19 trong điều kiện rất nhanh và gấp, trong khi tiềm lực kinh tế ở Việt Nam còn khó khăn.

Ngày mai (26/2), vaccine ngừa Covid-19 Nanocovax của Việt Nam sẽ bắt đầu tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 trên người tình nguyện ở Long An và Hà Nội. Theo ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế), công suất sản xuất Nanocovax là 70 triệu liều/năm. Vaccine của Viện Vắcxin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) cũng đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người có công suất 6 triệu liều/năm nhưng có thể nâng lên 30 triệu liều. Hai loại vaccine này có thể đảm bảo nhu cầu tiêm ngừa của Việt Nam trong những năm tới.

Cũng theo ông Quang, vì nhu cầu tiêm ngừa, các nhà nghiên cứu đang đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm, có thể tháng 4 tới sẽ hoàn tất giai đoạn 2, theo hướng khám sàng lọc đến đâu là tiêm đến đó, làm sao đủ 560 người tham gia giai đoạn 2 và sau đó sẽ đánh giá, triển khai giai đoạn 3. Đánh giá về triển vọng của vaccine trong nước, ông Quang cho rằng, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào vaccine “made in Việt Nam” bởi hiện tại, mọi thứ vẫn đang rất thuận lợi.

"Vaccine đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đàu tiên, vaccine có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vaccine sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều1, đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên." - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long