Vài chuyện về... nói dối và nói phét!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người thôn quê vốn coi trọng tình làng, nghĩa xóm, vậy nên việc qua lại thăm hỏi nhau là thường, thế nhưng người ta cũng giữ ý tứ, kín kẽ với nhau lắm.

Sơ sẩy trong lời nói, nét mặt, đôi khi tình cảm lâu ngày với nhau cũng… đổ sông, đổ bể. Vậy nên trong cuộc sống, đôi khi người ta vẫn vận dụng những câu nói dối, nói phét (một cách vô hại), nhằm làm vừa cái bụng của nhau. Từ thời còn đói kém, chả may có việc sang hàng xóm (mà gặp bữa), dẫu thân nhau đến mấy đi chăng nữa, người ta đều từ chối khéo là… ăn rồi.

Đấy là những câu nói dối… vô hại. Vậy nên có việc ra khỏi nhà, người ta cứ thủ sẵn cái tăm, nhỡ may đến nhà ai mà gặp bữa cơm thì chỉ việc ngậm cái tăm vào mồm, vừa lịch sự, lại dễ bề từ chối. Tuy nhiên xét cho cùng, đây cũng là động tác đánh lừa (hay nói dối) chính cái mồm của mình!

Vậy nên mới có chuyện tiếu lâm rằng, khi khách sang hàng xóm chơi, gặp bữa thì chủ nhà ra sức mời ông khách nọ dùng cơm. Vốn cũng khái tính nên vị khách ra sức từ chối; nhưng kỳ thực suốt từ sáng vẫn chưa có miếng gì vào bụng, bữa cơm nhà nọ thì đầy thịt cá, rau quả, khiến cái bụng rỗng reo lên òng ọc. Trong tình thế ấy, vị khách nghĩ ra được một kế khá vẹn toàn bằng cách reo lên: A, bát nước mắm nhà mi có ớt cay, đã thế choa mần một bát…

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, lũ sinh viên nội trú chúng tôi đói như ngan ấp. Vào những ngày có nguy cơ đứt bữa, mỗi đứa đều lên cho mình phương án “chống món” (đấy là cách nói cho nó hoa mỹ), kỳ thực là đi chạy bữa.

Nếu “đánh bắt gần bờ” (nghĩa là trong ký túc xá), thì phải giả vờ hỏi thăm mấy cậu học khóa dưới, trò chuyện dông dài, nhận đồng hương, bắt thân với chúng, đến bữa kiểu gì cũng kiếm được bát cơm, đôi khi có thêm tí thịt thủ, chén rượu săm...

Bằng không phải lượn lờ đến ký túc xá trường khác, tìm mấy thằng bạn thời THPT (đôi khi cả 3 năm học chẳng thèm chơi với nhau); huyên thuyên đủ chuyện, lôi ra cả mớ kỷ niệm do tự mình nghĩ ra. Và rồi cũng đến bữa, vừa là chỗ biết nhau, vừa là đồng hương (trong lúc đói kém), là người - ai nỡ!

Hồi còn ở vùng kinh tế mới Nam Thanh - Bắc Nghệ, trong xóm tôi có cụ Thu Là, người có khiếu hài hước. Vào vụ, dù số hoa màu của gia đình chỉ chừng hơn tấn, nhưng nếu có người hỏi thăm, bao giờ ông lão cũng “tâng” lên gấp đôi, thậm chí là gấp 3.

Khi bị lục vấn, bao giờ ông lão cũng cười xòa, à - nói như vậy để bà con quanh xóm thấy nhà tao giàu mà có thêm động lực để ganh đua làm ăn! Vậy nên trong xóm từ đấy có câu, nói phét như ông Thu Là. Không kém cụ Thu Là trong khoản phét lác là anh cả Lượng. Ngày đó gia đình anh bán cặp trâu được hơn chục triệu đồng.

Với người quê, mỗi khi ra khỏi nhà mà có đồng tiền thì giắt cho bằng kỹ. Cả Lượng lại không làm vậy; khi có việc ra thị xã, anh chia đôi số tiền nói trên thành 2 mớ, bọc vào mảnh giấy báo, phía ngoài lại quấn tiếp vào bằng khăn mùi xoa thành 2 bọc to đùng. Rồi anh hiên ngang nhét 2 “bó tiền” vào túi quần sau, phóng con xe phượng hoàng, một mình ra tỉnh.

Sau đận ấy, người làng trên, xóm dưới ai cũng bảo liều, nhưng khi vui chuyện anh mới “bật mí”: Đám trộm cắp chỉ nhăm nhe vào mấy ông lom rom, còn tao tiền chật túi, “cưỡi” phượng hoàng, đố đứa nào dám dây dưa!...

Đọc tiếp

Kinh tế đô thị cuối tuần