1. Tuy nhiên , số phận 4 đô thị vệ tinh còn lại (Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Đông Anh) vẫn long đong, bởi nhiều lý do, nhiều vấn đề chưa được giải quyết để các đô thị này thành hình hài trên thực tế (chứ không phải trên bản vẽ).
Nói vậy để thấy đề án quy hoạch hai TP trực thuộc Thủ đô là TP phía Bắc sông Hồng (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và TP phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc, Xuân Mai) thể hiện quyết tâm chính trị với chủ trương đúng đắn để Hà Nội phát triển bền vững trong thời kỳ mới sẽ không hề dễ dàng.
Với mục tiêu giảm mật độ dân cư đô thị trung tâm, bảo đảm chất lượng sống, tạo cực tăng trưởng mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô… 2 TP này sẽ vận hành ra sao theo đúng chức năng của nó là cả một chặng đường dài trong quá trình thực hiện. Bởi nó được hình thành trên cơ sở quy hoạch, với một thực thể gồm cả đô thị và nông thôn. Đây chính là đặc thù của 2 TP trong TP Hà Nội.
Một điều rất quan trọng tác động đến mô hình TP trong TP của Hà Nội đó là việc sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh ở trung tâm TP. Phía bờ bên kia sông Hồng hiện đang phát triển rất mạnh với quận Long Biên, tiếp sau đây sẽ là quận Gia Lâm và TP phía Bắc sông Hồng.
Và như thế, sông Hồng với những giá trị lịch sử và cảnh quan của riêng nó sẽ không còn bị “bỏ quên” ở ngoài rìa đô thị mà sẽ trở thành dòng sông định hình trung tâm của Thủ đô một cách rõ ràng hơn, rành mạch hơn khi mà chúng ta có 2 TP phát triển hài hòa hai bên sông.
Đã có nhiều ý kiến quan ngại về chủ trương đưa các huyện vốn chủ yếu là nông nghiệp, nông thôn lên đô thị mà bỏ qua mô hình quận trong TP với rất nhiều tiêu chí về dân số, tỷ lệ đô thị hóa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật…
Nhưng tôi tin rằng, sẽ không có quá nhiều xung đột, trở ngại bởi chúng ta cũng đâu có thể thay đổi đột ngột, đưa huyện ngoại thành lên TP ngay sau một đêm, mà nó sẽ phải trải qua một quá trình chuẩn bị và khi đó những mâu thuẫn sẽ dần được khắc phục.
Hơn nữa, tại các khu vực định hướng quy hoạch lên TP trực thuộc, quá trình đô thị hóa rất nhanh bên cạnh cảnh quan nông thôn hiện có. Ngày hôm nay, đời sống nông dân khu vực lên TP đã cải thiện nhiều. Đã xuất hiện thế hệ nông dân của thời kỳ Đổi mới.
Đó là những nông dân trẻ có tri thức, biết ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Cách nhìn của thế hệ nông dân mới này về TP và người TP cũng khác nhiều, chứ không phải là sự đối lập gắt gao, khó dung hòa như trước đây.
Tuy nhiên, để nông thôn trở thành đô thị, cần phải trải qua quá trình công nghiệp hóa nông thôn, chứ không phải đô thị hóa nông thôn một cách vội vàng. Những xung đột nội tại giữa đô thị - nông thôn sẽ được giải quyết nếu như người nông dân được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng để thích nghi với không gian mới, sinh kế mới và những luật lệ mới. Cùng với đó, đô thị cũng sẽ có nền tảng để phát triển theo hướng đô thị xanh, đô thị sinh thái và phát triển bền vững.
2. Để định hình 2 TP trực thuộc Thủ đô, thứ nhất, phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội tốt, kết nối giao thông giữa TP trực thuộc với khu vực trung tâm TP chính, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp. Nếu không đủ nguồn lực để xây dựng nhà ở giá rẻ thì có thể tính đến bài toán cho thuê, để cư dân từ các quận trung tâm di chuyển đến TP mới có được chỗ ở, việc làm, giao thông công cộng thuận lợi, sinh sống ổn định, lâu dài, được đáp ứng nhu cầu về đi lại, giải trí, giáo dục, y tế, có không gian xanh, không gian công cộng…
Đấy là nhiệm vụ của hạ tầng đô thị và chỉ khi chuẩn bị tốt những điều kiện đó mới có thể hút dân từ nội thành di chuyển về TP mới.
Thứ hai, khi đã là TP, dân số tăng lên thì vai trò của chính quyền đô thị sẽ càng đậm nét. Có thể tham khảo mô hình chính quyền đô thị các quốc gia trên thế giới là người đứng đầu với vai trò Thị trưởng TP cùng với một Hội đồng TP hỗ trợ cho Thị trưởng.
Hội đồng TP được cư dân bầu ra và vì lợi ích của cộng đồng cư dân, sẽ bao gồm những người tài giỏi, có phẩm chất, văn hóa, tri thức và không phân biệt thành phần, độ tuổi. Sẽ có những người rất trẻ, đại diện cho tiếng nói của thế hệ cư dân trẻ trong xã hội đô thị. Chính quyền TP phải tìm ra các biện pháp, phát huy nguồn lực để TP phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho cư dân, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào TP chính.
Vì thế, cần đặt ra bài toán đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho chính quyền đô thị, chứ không phải cho một quận hay một huyện nào. Điều này đòi hỏi đồ án điều chỉnh quy hoạch Thủ đô mới sẽ phải là một đồ án quy hoạch đa ngành, bao gồm cả quy hoạch hạ tầng, quy hoạch kinh tế, quy hoạch xây dựng… đến quy hoạch nguồn nhân lực.
Thứ ba, cần giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nông thôn truyền thống trong quá trình đô thị hóa và TP hóa. Trước đây, khi giải thể huyện Từ Liêm để thành lập quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, nhiều cư dân của những làng nghề như làng cốm Vòng, làng Mễ Trì… phải từ bỏ nghề truyền thống vì làng đã lên phố, lên phường, đường làng thành đường phố, họ không còn không gian để bám trụ với nghề.
Đó là điều đáng tiếc. Bởi đó chính là nét riêng làm nên bản sắc độc đáo của đô thị vốn từ làng lên phố, điều mà không phải chỉ bỏ công sức, tiền bạc, nguồn lực ra là có thể kiến tạo trong ngày một ngày hai. Lớp trầm tích văn hóa làm nên giá trị riêng của đô thị càng được tích lũy thì càng trở nên quý giá.
Cần hiểu rằng, chính những làng nghề sẽ tham gia vào công nghiệp văn hóa và đóng góp vào phát triển du lịch của TP, chứ không chỉ còn là sinh kế hằng ngày của nông dân cho dù có lên TP. Khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam, trên đường ra sân bay Nội Bài về Mỹ, ông đã dừng lại mua một gói cốm làng Vòng được bọc trong lá sen và gói bằng sợi rơm trước sự ngạc nhiên của nhiều người.
Điều đó cho thấy sự hấp dẫn của văn hóa, của bản sắc dân tộc rất mạnh mẽ và có sức lan tỏa như thế nào! Do đó, khi hình thành 2 TP trực thuộc cũng phải quan tâm đến không gian phát triển làng nghề cũng như những không gian kiến trúc văn hóa khác, như đình, đền, chùa, miếu. Làng nghề cùng với những di sản kiến trúc là minh chứng để cho con người hiểu được văn hóa địa phương, rộng hơn là văn hóa của cha ông, là lịch sử, ký ức của đô thị, của TP.
Thứ tư, xây dựng văn hóa đô thị. Đây là yếu tố rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển TP mới. Văn hóa đô thị sẽ được hình thành từ luật pháp, từ hướng dẫn của chính quyền đô thị với người dân. Điều đó có nghĩa muốn xây dựng đô thị có văn hóa phải có chính quyền đô thị văn hóa.
Phải là những người yêu và hiểu sâu sắc về Hà Nội mới biết được làm thế nào là tốt cho Hà Nội, hoạch định như thế nào để vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn văn hóa của Hà Nội. Tương tự với TP trực thuộc, những người đứng đầu phải được đào tạo chuyên sâu, có sự thấu hiểu con người và văn hóa địa phương để dẫn dắt người dân hòa nhập với vị thế mới. Không phải một người nông dân đang sống trong căn nhà ngói ba gian chuyển lên sống trong một căn hộ chung cư hiện đại thì đã có lối sống đô thị.
Đô thị là sản phẩm không gian văn hóa vật chất vĩ đại do con người sáng tạo ra. Do đó, quy hoạch TP phải lấy con người làm trung tâm. Sự chuẩn bị để con người biến giấc mơ thành hiện thực cũng quan trọng như chuẩn bị nguồn lực, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất. Việc xây dựng 2 TP trong TP Hà Nội sẽ còn nhiều thách thức. Nhưng tôi tin, khi đã có ý chí, thì sẽ có con đường.