Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vải thiều đầu mùa giá cao ngất ngưởng

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đầu tháng 5 nhưng tại nhiều chợ trên địa bàn Thủ đô, vải đầu mùa (hay còn gọi là vải tu hú) đã bắt đầu được bày bán, tuy nhiên, cung không đủ cầu nên giá bán cao ngất ngưởng.

 Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thị Hà bán hoa quả tại chợ Thành Công cho biết, thông thường cuối tháng 5 mới bắt đầu vào chính vụ thu hoạch vải thiều, vải có trên thị trường hiện nay là vải sớm, do đầu mùa nên giá thường đắt. Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên loại rẻ nhất nhập là 40.000 – 45.000 đồng/kg nhưng bị sâu đầu nhiều. Loại ngon hơn, ít sâu đầu hơn giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Trong khi đó tại một số chợ trên địa bàn như: Chợ Ngọc Hà (Ba Đình), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Thành Công, Kim Liên... giá vải đầu mùa dao động từ 75.000 – 100.000 đồng/kg. Còn tại một cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Minh Khai, vải đang có giá 106.000 đồng/kg. Theo nhân viên bán hàng, đây là loại vải được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGap hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng ngon và thời gian bảo quản lâu hơn, nên giá cao so với vải đang bán trên thị trường.

Sắp bước vào mùa thu hoạch vải thiều nên vấn đề được mùa mất giá sắp trở nên nóng bỏng, về vấn đề này lãnh đạo ngành công thương Bắc Giang cho biết: Tỉnh Bắc Giang duy trì gần 28.500 ha trồng vải thiều, nhưng mùa đông 2018 - 2019 ấm hơn mọi năm khiến nhiều diện tích vải thiều có tỷ lệ ra hoa thấp nên ước tính sản lượng mua thu hoạch 2019 chỉ đạt 150.000 tấn, trong khi mùa thu hoạch năm 2018 lên đến 215.800 tấn. Mặc dù sản lượng thu hoạch giảm hơn 60.000 tấn nhưng để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, ngày 3/5 ngành công thương Bắc Giang đã làm việc với hệ thống siêu thị Co.op Mart và Công ty TNHH Một thành viên Proton - đơn vị quản lý khai thác Chợ đầu mối Dầu Giây (Đồng Nai) về việc tiêu thụ vải thiều thông qua các DN này. Những ngày tiếp theo sẽ làm việc với hệ thống siêu thị Big C, Hapro, Vinmart... Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Tuần lễ vải thiều tại thị trường Hà Nội. Đối với hoạt động xuất khẩu, ngành công thương Bắc Giang sẽ giảm tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, tăng xuất khẩu sang các thị trường khác như Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia qua hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị.