Vai trò kép của yếu tố lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xét ở đầu vào của kinh tế, có 4 yếu tố chủ yếu, đó là: tài nguyên thiên nhiên, lao động, vốn, thiết bị - công nghệ.

Tuy nhiên, lao động không chỉ là yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu về tăng trưởng kinh tế, mà còn là một nội dung quan trọng về mặt xã hội. Vai trò kép này cần được đặc biệt quan tâm, nhất là trong điều kiện hiện nay.

Bước chuyển dịch tích cực

Về mặt lao động được thể hiện trên nhiều mặt. Đầu tiên đó là số lao động đang làm việc tăng lên (bình quân năm thời kỳ 2001- 2010 tăng 2,85%). Đây là kết quả chuyển đổi cơ chế với sự nỗ lực của người lao động, của DN và của Nhà nước. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị giảm xuống qua các năm; khi gặp bất ổn nhưng không làm tăng đột biến của tỷ lệ này.
Người lao động làm việc tại Công ty CP Kim Khí Thăng Long. 	Ảnh: Phạm Hùng
Người lao động làm việc tại Công ty CP Kim Khí Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Cơ cấu lao động theo nhóm ngành có sự chuyển biến tích cực: Tỷ trọng của nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 73% năm 1990 xuống 42,3% quý I/2016, của công nghiệp - xây dựng tăng từ 11,2% lên 24,4%; của dịch vụ tăng từ 15,8% lên 33,3%. Việc chuyển dịch này đã góp phần tăng năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế; phù hợp với định hướng chuyển dịch nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, từ nước nông nghiệp sang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong khi cơ cấu lao động theo loại hình kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2010 so với năm 2000, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực Nhà nước giảm từ 11,7% xuống còn 10,3%, của khu vực ngoài Nhà nước tuy cũng giảm từ 87,3% xuống 86,3% nhưng chủ yếu ở khu vực  kinh tế tập thể, cá thể giảm, còn của DN tư nhân, công ty TNHH, công ty CP tăng lên; của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 1% lên 4%.

Trong khi đó, với 3 yếu tố còn lại, nguồn tài nguyên đã đến lúc phải hạn chế khai thác để để dành cho tương lai; vốn đầu tư/GDP thuộc loại cao, nhưng có một phần còn phải đi vay, nên nợ công, nợ nước ngoài tăng, hơn nữa nếu tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào vốn đầu tư thì đó là tiềm ẩn của lạm phát, gây bất ổn vĩ mô; kỹ thuật - công nghệ muốn đổi mới cần phải có vốn đầu tư, phải nhập khẩu từ các nước có công nghệ nguồn…

Thực tế này cho thấy, nguồn lực lao động là chủ thể có vai trò quan trọng nếu biết khai thác sẽ giúp tăng hiệu quả 3 yếu tố đầu vào trên. Nhưng thời gian qua mặc dù có lực lượng lao động dồi dào, có cơ cấu dân số vàng từ mấy năm nay và còn kéo dài trong vài ba chục năm nữa; giá nhân công thuộc loại rẻ song khai thác nguồn lực này vẫn còn hạn chế. Đây là điểm nghẽn lớn nhất, cần có đột phá chiến lược, trong đó việc tăng năng suất, chất lượng nguồn lao động được coi là yếu tố quyết định.

Thách thức phải vượt qua

Những số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của lứa tuổi 15 – 24 ở Việt Nam hiện nay còn khá cao (6,85%), riêng khu vực thành thị lên đến 11,2%, trong đó có hàng trăm nghìn người tốt nghiệp cao đẳng. Đồng thời, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Có yếu tố do tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp (nếu tính theo số có bằng cấp chỉ 18,5%), đó là chưa nói đến chất lượng đào tạo, cơ cấu đào tạo (giữa thầy và thợ, giữa lý thuyết và thực hành, giữa các ngành nghề,)… Có yếu tố do tỷ trọng lao động làm việc trong nông, lâm nghiệp, thuỷ sản còn lớn, trong khi năng suất lao động của nhóm ngành này năm 2015 chỉ bằng 26,3% năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng; Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có năng suất lao động cao nhất thì tỷ trọng lao động lại thấp nhất; Nhóm ngành dịch vụ có năng suất lao động cao thứ hai, nhưng tính kiêm nhiệm còn lớn, kinh tế cá thể trong lĩnh vực thương mại chiếm tỷ trọng cao… Cùng với đó là đã xuất hiện những cảnh báo về già hóa lao động, khi tỷ lệ người cao tuổi đã vượt quá 10%.

Về mặt xã hội, thất nghiệp, thiếu việc làm là yếu tố làm tăng tỷ lệ nghèo, gia tăng các tệ nạn xã hội. Nếu không có những giải pháp ngay từ hôm nay, trong những năm tới đây sẽ là vấn đề không chỉ mất đi lực lượng lao động trẻ khỏe, mà còn phải tốn kém công sức để ngăn chặn, khắc phục những vấn đề xã hội. Chính vì thế, trong các hoạch định chính sách thời gian tới cần đặt nhiệm vụ giải quyết công ăn việc làm là một trong những nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu. Đặc biệt là trong quá trình hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng kiện nay, thị trường lao động trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của lao động nước ngoài trên chính sân nhà.
Theo thống kê, đến hết năm 2015, toàn TP có gần 300 cơ sở dạy nghề, trong đó cơ sở tư nhân chiếm khoảng 70%. Trung bình hàng năm TP đào tạo mới hơn 140.000 lao động. Hà Nội được đánh giá là TP có nguồn nhân lực chất lượng cao, với gần 37% lao động có trình độ và tay nghề, trong đó, lượng lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm đa số. Tuy nhiên,  công tác đào tạo nguồn nhân lực của Thủ đô cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại. Đó là, năng suất lao động của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn rất thấp. Lao động qua đào tạo của TP phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, còn khu vực nông thôn đa phần lao động chưa qua đào tạo. Cơ cấu này cho thấy Hà Nội cũng như cả nước đang trong tình trạng thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đã qua đào tạo bài bản. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần