Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn bản bị “tuýt còi” - phải coi phòng hơn chống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi năm, Bộ Tư pháp phát hiện hàng nghìn văn bản trái pháp luật của các bộ, ngành, địa phương. Đây là nguyên nhân của những bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách dẫn đến đối tượng hứng chịu lại chính là người dân.

Đình chỉ ngay văn bản trái luật

Những cái sai của các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: Sai về thẩm quyền, nội dung đến thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản... Sai thì phải sửa, bởi ai cũng hiểu việc áp dụng những cái sai trong thực tiễn, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội sẽ dẫn đến những nguy hại thế nào.
Qua rà soát, Bộ Tư pháp phát hiện nhiều văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Qua rà soát, Bộ Tư pháp phát hiện nhiều văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
VBQPPL do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành đáng lẽ không được phép sai như vậy. Để xảy ra tình trạng mỗi năm có tới cả nghìn văn bản trái pháp luật, lỗi này do đâu? Các bộ, ngành, địa phương đều có bộ phận và đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách, soạn thảo, xây dựng VBQPPL. Phải chăng nguyên nhân là do ý thức trách nhiệm, trình độ soạn thảo, ban hành văn bản của cán bộ xây dựng chính sách, của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản? Sau khi Bộ Tư pháp phát hiện, “tuýt còi” văn bản trái luật, việc xử lý các lỗi vi phạm ấy thế nào?

Theo đại diện Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp), biện pháp quan trọng nhất là phải “đình chỉ phần văn bản có dấu hiệu trái pháp luật” chứ không chỉ báo cáo cấp trên và để những quy định ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tổ chức được tồn tại. Trong khi đó, rất ít đơn vị tự giác thực hiện biện pháp này ngay khi có thông báo về dấu hiệu trái pháp luật trong văn bản do mình ban hành.

Tăng cường công tác tự kiểm tra, xử lý

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL tại các bộ, ngành, địa phương. Theo ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, việc ban hành VBQPPL, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản của các bộ, ngành, địa phương vẫn cần bảo đảm các quy định của pháp luật. Do đó, các đơn vị cần quan tâm triển khai thực hiện tốt hơn nữa trong công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa các VBQPPL. Bên cạnh đó, tổ chức việc lấy ý kiến, thẩm định tham gia trong quá trình soạn thảo VBQPPL; tăng cường công tác tự kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền. Ngoài ra, phải nâng cao trình độ nhận thức, phát huy tinh thần trí tuệ tập thể, tăng cường sự phối kết hợp của các cơ quan, ban, ngành... nhằm hạn chế, khắc phục những thiếu sót trong quá trình soạn thảo, ban hành hệ thống các VBQPPL.

“Đặc biệt, ngày 1/7 tới, Luật Ban hành VBQPPL 2015, Nghị định số 34/2016/ND-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, nhiều nội dung về công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL có nhiều thay đổi. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần cập nhật, nghiên cứu các quy định mới để thực hiện đúng quy định của Luật và Nghị định trong công tác văn bản, phải xác định “phòng hơn chống”; tức là cần phải làm đúng từ khâu ban hành mà không đợi đến khi ban hành rồi kiểm tra lại phát hiện sai” - ông Ba đề nghị.
Theo Bộ Tư pháp, từ đầu năm đến nay, Bộ đã tiến hành kiểm tra 1.185 văn bản, kết quả bước đầu phát hiện và thông báo kiểm tra đối với 40 văn bản (13 văn bản của cấp bộ; 27 văn bản của địa phương) có dấu hiệu trái pháp luật. Đến nay đã xử lý 1 văn bản, 10 văn bản đã có hướng xử lý và 29 văn bản đang xử lý. Trước đó, trong năm 2015, qua kiểm tra, rà soát khoảng 42.300 văn bản, đã phát hiện 1.181 văn bản có dấu hiệu trái luật.