Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn bản có cụm từ 'thí điểm thử ma túy cho học sinh, sinh viên”: Bài học về “câu chữ"

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch số 455/KH-BGDĐT ban hành ngày 10/5/2021 về “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” của Bộ GD&ĐT đang vấp phải một số ý kiến trái chiều từ dư luận liên quan đến việc sử dụng câu từ, thuật ngữ “không rõ nghĩa”.

2 cụm từ “không rõ nghĩa”
Kế hoạch số 455/KH-BGDĐT của Bộ GD&ĐT nhằm mục đích triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.
Yêu cầu của kế hoạch là Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021; triển khai tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định, đúng tiến độ, chất lượng.
 Phòng chống ma túy trong trường học là một nội dung Kế hoạch 455 của Bộ GD&ĐT (Ảnh minh họa)
Kế hoạch 455 bao gồm 09 nhiệm vụ; trong đó nhiệm vụ 04 yêu cầu “Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông”. Nhiệm vụ 08 yêu cầu: “Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên”. Như vậy, 2 cụm từ “thử ma túy” (tại nhiệm vụ 04) và “dự phòng nghiện ma túy” (tại nhiệm vụ 08) đang gặp phải nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận.
Giải thích từ Bộ GD&ĐT
Tiếp thu những ý kiến trên, Bộ GD&ĐT đã có văn bản số 2043/BGDĐT- GDCTHSSV do Vụ trưởng Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh thừa lệnh Bộ trưởng ký về việc “hướng dẫn làm rõ hơn về nội hàm một số nhiệm vụ trong Kế hoạch 455”.
Văn bản nêu rõ: Trong Kế hoạch số 455 có tên nhiệm vụ số 04 và nhiệm vụ số 08 được trích đúng theo tên nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT tại Công văn số 1477/VPCP-KGVX ngày 9/03/2021 (số thứ tự 55 và 59 tại Phụ lục đính kèm Công văn 1477).
“Để các Sở GD&ĐT ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ nội dung nhiệm vụ số 04 và nhiệm vụ số 08 trong Kế hoạch số 455, Bộ GD&ĐT hướng dẫn để làm rõ hơn nội hàm của 2 nhiệm vụ như sau: Nhiệm vụ số 04: Cụm từ “thử ma túy” được hiểu là “xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể”. Nhiệm vụ số 08: “Kế hoạch “dự phòng nghiện ma túy” được hiểu là Kế hoạch “hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy””- văn bản số 2043 giải thích.
Trình tự văn bản: Không sai theo quy định
Một giáo viên khi đọc kế hoạch và văn bản trên nhận xét: “Cụm từ “thử ma túy” có thể hiểu theo 2 nghĩa: Một là dùng thử ma túy, hai là xét nghiệm ma túy; còn cụm từ “dự phòng nghiện ma túy” thì hàng ngày rất ít nghe nên gây khó hiểu. Tuy nhiên, khi đọc văn bản hướng dẫn thì tôi đã hiểu và thấy không còn băn khoăn gì nữa”. 
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Đình Sơn, cán bộ công tác trong ngành phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội cho biết: "Thử ma túy” là từ ngữ nói vắn tắt, hiểu đơn giản là biện pháp kiểm tra xem người bị thử có sử dụng ma tuý không. Còn “dự phòng nghiện ma túy” là một thuật ngữ chuyên ngành, được hiểu là biện pháp để ngăn chặn hoặc làm chậm lại hành vi/quá trình sử dụng ma tuý- một hoạt động rất quan trọng trong công tác phòng chống ma túy hiện nay; đặc biệt là trong học sinh, sinh viên.
“Văn bản 455 là kế hoạch ngành, là văn bản hành chính để tổ chức triển khai trong nội bộ ngành giáo dục, không phải là văn bản pháp quy. Trường hợp này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký thay Bộ trưởng ban hành kế hoạch và Vụ trưởng Vụ trưởng Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên thừa lệnh Bộ trưởng ký văn bản giải thích khái niệm, làm rõ nghĩa cụm từ trong kế hoạch là không sai. Khi triển khai, các đơn vị sẽ sử dụng đồng thời 2 văn bản để áp dụng; do đó với những cụm từ ở Kế hoạch 455 sẽ hiểu theo nghĩa đã giải thích ở văn bản 2043”- một Luật gia nêu ý kiến.
Tuy nhiên, cũng có người không đồng tình cho rằng: Văn bản trên thể hiện sự hời hợt, cẩu thả, cứng nhắc trong soạn thảo văn bản cũng như việc tổ chức triển khai nhiệm vụ ngành của Bộ GD&ĐT. Trong trường hợp phát hiện kế hoạch đã ban hành “có vấn đề”, đáng lý Bộ nên cân nhắc thu hồi, có quy trình rà soát để ban hành kế hoạch đúng, sát với chủ trương của ngành; tránh việc vội vàng có hướng dẫn thiếu thuyết phục, gây dư luận không tốt. Thiết nghĩ đây là là việc Bộ GD&ĐT nên nghiêm túc nhìn nhận và rút kinh nghiệm.