Kinhtedothi - Ngày 9/9, các ĐB Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó quy định về ngành nghề cấm kinh doanh và đầu tư có điều kiện vẫn là trọng tâm đáng lưu ý.
11 ngành nghề bị cấm
Các quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là trọng tâm của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), ngay mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh. Nhưng các quy định liên quan đến các vấn đề này vẫn khiến nhiều ĐB Quốc hội băn khoăn.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Kết quả rà soát của các ngành cho thấy hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật. Sau khi xem xét, cân nhắc đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được giao Chính phủ công bố sau khi báo cáo UBTV Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Nhiều ĐB nhấn mạnh đến việc ngành nghề bị cấm hay đầu tư, kinh doanh có điều kiện sẽ ảnh hưởng đến quyền của người dân nên cần nghiên cứu kỹ và thể hiện rõ, cụ thể, tránh nhiều cách hiểu. ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng: Điều cấm thì không thiết kế kèm quy định "trừ được Nhà nước đặt hàng". Nhà nước cụ thể là ai? Nên thiết kế riêng nếu không Luật không nghiêm. ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình: Đã cấm thì không ai được làm, còn có người được làm thì ngành nghề đó phải đưa vào danh mục có điều kiện. Xét nghĩa rộng, không có ngành nghề nào mà kinh doanh không có điều kiện và tất cả đã được quy định tại các luật chuyên ngành. Vì thế, đưa ra danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở Luật này thay các luật khác là bất khả thi mà phải rà lại ở luật chuyên ngành. Dự Luật này nên quy định các loại doanh nghiệp phải có giấy phép trước khi đăng ký kinh doanh, loại thứ hai là phải tiền kiểm trước khi kinh doanh và loại ba là tự do kinh doanh và chỉ hậu kiểm.
Quốc hội làm trọng tài
Về kinh doanh mại dâm, có ý kiến cho rằng cần xem xét khi thể hiện trong Dự Luật này "vì nếu không hiển nhiên nó tồn tại như một nghề tại Việt Nam". Các ĐB đề nghị: Danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh cần tính toán kỹ lưỡng, thậm chí kỳ này chưa ra được Luật thì có thể đến kỳ sau. Đồng quan điểm, ĐB Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Cần tiếp tục rà soát lại các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Điểm nào Dự Luật cấm phải phù hợp với các luật hiện hành.
Đưa ra quan điểm quyền dân chủ lớn nhất của con người là tự do làm ăn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đến tình trạng trong xây dựng luật, cơ quan soạn thảo thường bảo vệ "cái sân của mình" đến cùng, nên nếu nói sau này mới rà lại thì mỗi người một sân, sẽ rất khó. Và như thế thì "chỉ khổ dân và doanh nghiệp thôi". "Luật Đầu tư (sửa đổi) phải thay các luật chuyên ngành, vì thế đây là lúc Quốc hội cần làm trọng tài, phải rà hết các danh mục cấm và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở các luật chuyên ngành. Ngành nghề gì đã cấm và cần có điều kiện mà thấy hợp lý đưa vào Luật này, còn cấm và hạn chế vô lý thì bỏ đi. Ngoài Luật này, không ai được quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện nữa" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
“Tôi rất kỳ vọng vào việc sửa 2 Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đây là lõi của phát triển. Việt Nam có hội nhập được hay không, doanh nghiệp có cạnh tranh được hay không cũng phụ thuộc vào việc sửa 2 Luật này. Bởi vậy, phải thật dày công nghiên cứu theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Nếu tại kỳ họp cuối năm nay chưa thông qua được như dự kiến ban đầu, thì cứ từ từ làm cho tốt. Đổi mới phải cẩn thận, không thể bước tập tễnh, đừng cải tiến ẩu, vội, kiên quyết làm cho được nhưng phải cẩn trọng.” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |