Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn chưa ngã ngũ việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh ý kiến đồng ý bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG), lại có quan điểm cho rằng khi thị trường xăng dầu chưa vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường nên giữ Quỹ BOG để cân đối điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu có nên duy trì?

Bày tỏ quan điểm không nên tiếp tục duy trì Quỹ BOG, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, bản chất Quỹ BOG là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít). Mặc dù không phải tiền ngân sách Nhà nước, song lại do DN quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành.

Việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu được các doanh nghiệp nhiều lần đề xuất. Ảnh Phạm Hùng
Việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu được các doanh nghiệp nhiều lần đề xuất. Ảnh Phạm Hùng

Mặt khác, hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới. Việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu do Nhà nước quy định, trong khi giá thế giới diễn biến thất thường thì cần có một lượng tài chính dự trữ để góp phần kiểm soát lạm phát. Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì chi quỹ để bình ổn giá, còn khi giá xăng dầu thấp thì thu vào để dự phòng. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, quỹ này là không cần thiết, gây phiền hà cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với người tiêu dùng, họ được hưởng lợi khi giá xăng dầu tăng, được chi quỹ để giá xăng dầu trong nước không tăng hoặc không tăng mạnh so với thế giới. Nhưng họ lại không được lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm, đáng lý ra họ được hưởng giá thấp nhưng lại phải trích quỹ, làm giá trong nước không giảm sâu bằng giá thế giới.

“Cần thay thế Quỹ BOG bằng công cụ khác hữu dụng hơn, vừa phát huy được tối đa vai trò bình ổn giá xăng dầu vừa ngăn chặn được lạm phát” - PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất.

Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, đây là cơ chế Nhà nước đã duy trì 13 năm, trong điều kiện hiện nay vẫn phải có Quỹ BOG để giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát. Việc trích Quỹ BOG cao hay thấp đã có cơ quan điều hành là Liên Bộ Tài chính - Công Thương tính toán sao cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Quỹ BOG là công cụ hữu hiệu của Chính phủ nhằm đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc, hài hòa được lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng. Thực tế diễn biến giá thời gian qua cho thấy Quỹ BOG đã phát huy giá trị, giúp Nhà nước điều tiết xăng dầu không tăng quá mạnh như giá thế giới.

Đánh giá kỹ tác động

Ngày 19/9, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó có nội dung vẫn duy trì Quỹ BOG.

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc duy trì Quỹ BOG để đảm bảo tính khả thi, tránh phát sinh trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn, thì mới lập quỹ. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tiếp tục duy trì công cụ Quỹ BOG. Trước đó, Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo dự Luật Giá (sửa đổi) khi lấy ý kiến luật này từng đề nghị bỏ Quỹ BOG.

Thực tế, trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ BOG là chưa phù hợp.

Một số chuyên gia khuyến nghị, việc duy trì Quỹ BOG nên có thời hạn và thời điểm và việc điều hành đòi hỏi linh hoạt hơn nữa. Đặc biệt, cần tăng cường trách nhiệm quản lý đảm bảo công khai, minh bạch, cũng như có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, lý do đề nghị giữ Quỹ BOG là qua đánh giá tác động thì thời gian qua quỹ này có tác động tích cực và lợi ích lớn, đặc biệt trong biến động giá xăng dầu của năm 2022.

“Bình ổn giá xăng dầu được thực hiện qua nhiều công cụ, nhưng Quỹ BOG là công cụ rất hữu ích. Bởi nếu chỉ dựa vào giảm thuế và phí thì chỉ được trong ngắn hạn, về dài hạn thì rất khó khăn” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định.

Mới đây, Bộ Tài chính đã công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG quý II/2022. Theo đó, số dư Quỹ BOG đến hết quý II/2022 là 310 tỷ đồng, trong đó, tổng số trích quỹ BOG trong quý II là 1.007 tỷ đồng; số chi sử dụng quỹ trong quý II là 526 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương trong quý II năm 2022 là 1,426 tỷ đồng.

 

Chúng ta đang cần một nền kinh tế vĩ mô ổn định để phát triển bền vững, nên việc duy trì Quỹ BOG là cần thiết, không triệt tiêu ý nghĩa của việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Mặt khác, hiện nay thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước, nên cần thiết duy trì Quỹ BOG.

Nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng