Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/7, hoạt động tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ chiếc máy bay mang số...

Kinhtedothi - Ngày 20/7, hoạt động tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ chiếc máy bay mang số hiệu MH17 bị bắn rơi trên không phận của Ukraine đã được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới, trong khi nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc này vẫn chưa có lời giải đáp.

Hơn 4 tháng sau vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay mang số hiệu MH370, Hãng hàng không quốc gia Malaysia (MAS) lại phải gánh thêm một tổn thất nữa khi chuyến bay MH17 khởi hành từ Amsterdam (Hà Lan) lúc 12 giờ 15 ngày 17/7 đã bị bắn rơi tại Ukraine khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn bị thiệt mạng. Thảm họa hàng không này khiến mọi người đặc biệt đau xót bởi có tới 80 nạn nhân là trẻ em, hay có những người là thành viên trong cả một gia đình, nhiều nhà khoa học và các chuyên gia trong các lĩnh vực nổi tiếng thế giới…
Một nhà báo chụp lại hình ảnh hiện trường chiếc máy bay MH17 rơi tại khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: REUTERS
Một nhà báo chụp lại hình ảnh hiện trường chiếc máy bay MH17 rơi tại khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: REUTERS
Càng sốc, càng đau buồn trước thảm kịch, người thân của các nạn nhân càng mong muốn nguyên nhân của vụ việc được sớm làm rõ. Tuy nhiên, tranh cãi và đổ lỗi cho nhau của các bên liên quan là tất cả những gì mọi người nhận thấy trong mấy ngày qua. Một số giả thuyết cho rằng, tên lửa của Ukraine có thể đã nhắm vào chiếc chuyên cơ số 1 chở Tổng thống Nga Putin đang trên đường về Moscow từ Brazil, nhưng đã nhầm sang chiếc máy bay MH17 của MAS bởi hai chiếc máy bay được sơn màu khá giống nhau; chuyên cơ chở Tổng thống Nga Putin bay qua khu vực này vào lúc 16 giờ 21 phút theo giờ Moscow, còn chiếc máy bay của Malaysia bay qua khu vực này vào lúc 15 giờ 44 phút. Điều này có thể là lời lý giải hợp lý cho lời của nhân viên điều hành bay người Tây Ban Nha - người thực hiện dẫn đường cho MH17, trước thời điểm chiếc máy bay gặp nạn có hai máy bay tiêm kích Ukraine bay bên cạnh. Bộ Quốc phòng Nga cũng bắt được tín hiệu hoạt động của thiết bị radar của hệ thống tên lửa Buk ở Ukraine hôm 17/7, thời điểm MH17 của Malaysia bị bắn rơi.

Trong khi đó, Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia Ukraine, ông Valentyn Nalivaychenko đã cáo buộc 2 sĩ quan tình báo Nga dính dáng tới các phần tử chống đối trong việc bắn hạ máy bay MH17. Theo đoạn ghi âm do ông Nalivaychenko công bố, cuộc trò chuyện của 2 quan chức tình báo Nga và các tay súng thuộc lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine đã nhắc đến vụ tai nạn vào lúc 16 giờ 33 phút giờ địa phương ngày 17/7.

Không chỉ tranh cãi về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, sau khi tìm thấy 2 chiếc hộp đen, Chính phủ Ukraine và phe ly khai đã nảy sinh tranh cãi về việc chuyển những bằng chứng này đến địa điểm nào. Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố, theo Luật Hàng không quốc tế, các hộp đen của MH17 cần phải được giữ lại trên lãnh thổ Ukraine. Còn phía Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng thì khẳng định nên đưa hộp đen đến Nga để phân tích dữ liệu. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là gì nhưng nhiều người cho rằng, Ukraine phải chịu trách nhiệm trong việc đóng cửa không phận khi vùng mà máy bay MH17 bay qua đã được cảnh báo là vùng nguy hiểm.

Ngày 20/7, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cực lực lên án vụ bắn hạ máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines tại miền Đông Ukraine hôm 17/7. Trước đó, được tin chiếc máy bay MH17 của hãng Hàng không Malaysia gặp nạn tại miền Đông Ukraine, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Malaysia, Hà Lan. Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc cũng khẳng định, Việt Nam đề nghị tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng và minh bạch về vụ máy bay Malaysia MH17 rơi ở miền Đông Ukraine. Đặc biệt, ngay sau khi nhận được thông tin trong số nạn nhân của chuyến bay xấu số có 3 hành khách gốc Việt là 3 mẹ con, gồm: Nguyễn Ngọc Minh, sinh 15/9/1977; Đặng Minh Châu, sinh ngày 23/5/1997; Đặng Quốc Huy, sinh ngày 1/3/2001, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia, Ukraine, Hà Lan khẩn trương tìm hiểu thông tin liên quan đến công dân Việt Nam có mặt trên chuyến bay và thông báo, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết cho gia đình các nạn nhân.
Hãng hàng không Malaysia Airlines đã quyết định không sử dụng chuyến hiệu bay MH17 để thể hiện sự tôn trọng và tưởng nhớ đối với các phi hành gia và hành khách đã thiệt mạng ở thảm họa tại Ukraine.