Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nếu Chính phủ không có các công cụ điều hành giá xăng, dầu cụ thể, với diễn biến của thị trường thế giới, trong thời gian tới giá xăng, dầu trong nước sẽ còn tiếp tục tăng cao nữa, đe dọa trực tiếp đến đời sống người dân. Giá xăng cao như hiện nay đang đặt ra thách thức chưa từng có đối với ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và việc kinh doanh của các DN.
Mặt hàng bình ổn giá
Hiện nay ngoài phí vận chuyển, phí định mức mỗi lót xăng đang phải “cõng” 4 loại thuế có tỷ lệ so với giá CIF cụ thể: Thuế VAT (8%), thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%), thuế môi trường (1.000 - 4.000 đồng). Ngoài ra, kinh doanh xăng, dầu còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... khoảng 4 - 5%. Tính ra, có mặt hàng xăng cao nhất chịu đến 35% thuế, phí các loại, một con số làm bất ngờ nhiều nhà kinh tế khi tìm hiểu đến lĩnh vực kinh doanh này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết mặt hàng xăng, dầu là mặt hàng bình ổn giá, do Nhà nước bình ổn, vì vậy đến một lúc nào đó thì nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng, dầu. Nhu cầu sử dụng xăng, dầu của Việt Nam hiện nay là 21 triệu tấn xăng, dầu một năm, như vậy sản xuất trong nước là 11 triệu tấn, còn lại chúng ta phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn.
Như vậy để ổn định giá xăng, dầu, Chính phủ phải cùng lúc tiến hành 2 biện pháp. Đầu tiên là tìm nguồn hàng tốt để nhập khẩu, phải tính toán ngoài nguồn hàng nhập từ Singapore như lâu nay thì liệu Malaysia, Hàn Quốc có giá tốt hơn không? Tiếp đến là nghiên cứu chính sách đưa ra mức thuế, phí xăng, dầu hợp lý trong thời điểm hiện nay cũng như các kịch bản thuế, phí căn cứ vào dự báo trong thời gian tới.
Để bình ổn giá xăng, dầu, nhất thiết phải rà soát, nghiên cứu điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng, dầu để kiểm soát mặt hàng này. Theo lộ trình AFTA thì thuế nhập khẩu của chúng ta phải giảm xuống từ 8 đến 8,8%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% và thuế GTGT là 10%. Về việc giảm thuế, thẩm quyền thuộc về Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nhưng Bộ Tài chính đóng một vai trò cực kỳ quan trọng.
Hiện Chính phủ đã trình và được Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (khoảng 1.900-2.000 đồng/ lít với xăng) từ 1/4 đến hết năm nay và đang đề xuất tiếp tục giảm 1.000 đồng/lít (với xăng) và 500 đồng/lít (với dầu). Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường không có nhiều tác dụng trong việc bình ổn giá.
Cần nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu
Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong văn bản gửi Bộ Tài chính là đặt câu hỏi, vì sao Bộ Tài chính không chọn phương án dễ triển khai hơn là giảm thuế nhập khẩu khi vấn đề này thuộc thẩm quyền Chính phủ và có thể thực hiện ngay trong tháng 7. Về lâu dài VCCI đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, sau khi đánh giá tác động kỹ việc này.
Không phải chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng phải chống chọi với sự leo thang của giá xăng, dầu. Hiện nhiều quốc gia đã chọn phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu, thậm chí tính tới việc bỏ hẳn đánh thuế với xăng, dầu trong bối cảnh lạm phát leo thang hiện nay. Chủ tịch Hiệp hội Xăng, dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế cần được xem xét giảm đầu tiên trước sức tăng nóng giá xăng hiện nay, sau đó mới đến các loại thuế khác.
Hiện nay, mặt hàng xăng, dầu đang chịu cùng lúc nhiều sắc thuế. Đã có không ít ý kiến băn khoăn việc chúng ta áp dụng cả thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu. Trong khi xăng, dầu không phải là hàng hóa xa xỉ, đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường, lại phải gánh cả thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngay cả những chuyên gia đi theo quan điểm nhóm xăng thuộc nhóm hàng không khuyến khích sử dụng và cần tiết kiệm, nên áp thuế tiêu thụ đặc hiện nay cũng cho rằng cần phải tạm thời bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt. Đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận việc giảm thu ngân sách để có thể kiểm soát đà tăng của giá xăng, dầu để giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, DN.
Linh hoạt sử dụng quỹ
Đưa ra quan điểm việc điều hành giá xăng dầu quan trọng nhất là chi phí đầu vào và vấn đề kiểm soát lạm phát, TS Nguyễn Đình Ánh cho biết, hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng. Cùng với công cụ thuế, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu cũng được nhắc tới.
Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích, về bản chất, nguồn tiền của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan Nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc.
Tuy nhiên, thực tế vừa qua lại cho thấy khi giá dầu thế giới tăng, DN cũng phải mạnh tay chi quỹ. Khi giá giảm, người tiêu dùng lại không được mua giá thấp ngay, bởi vì cơ quan điều hành còn phải trích vào quỹ, bù đắp cho phần âm quỹ trước đó, chưa kể là có dư để còn chi cho những lúc giá dầu thế giới tăng cao.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, liên Bộ Công Thương - Tài chính khi điều hành giá cũng cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tiếp tục giảm thêm thuế, phí để chặn đà tăng của giá xăng, dầu.
Cũng như các loại hình vận tải khác, DN vận tải đường đường sắt vừa nỗ lực để khôi phục lại việc kinh doanh sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 lại gặp thời điểm giá xăng, dầu tăng “phi mã” buộc công ty phải có công văn gửi các khách hàng thông báo điều chỉnh giá cước.
Nhưng giải pháp này không thể áp dụng trong thời gian dài được. Không chỉ năm 2022, mà trong những năm tới đây chúng ta phải tính toán các loại thuế, phí để các DN vận tải, trong đó có vận tải đường sắt phát triển. Cuộc chơi toàn cầu, tham gia liên vận quốc tế, chúng ta không thể áp đặt giá cước.
Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp
Mới đây, chính phủ Thái Lan đã tiếp tục gia hạn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel thêm 2 tháng là tháng 6 và tháng 7/2022, bên cạnh đó, người dân nước này được trợ cấp tiền mặt hằng tháng từ 45 baht lên 100 baht/tháng khi mua gas.
Nếu chưa có sự thống nhất cao thì tôi cho rằng trong thời điểm này nên tạm thời bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu. Thực tế giá xăng, dầu giảm đồng nào, DN đỡ tốn đồng ấy. Trong bối cảnh vừa lao đao vì dịch, nay xăng, dầu liên tục leo thang thì các DN không tài nào đỡ nổi.
GS.TS Hoàng Văn Châu, nguyên Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương