Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn còn lách trần lãi suất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự sụt giảm nguồn vốn huy động từ khu vực dân cư trong tuần đầu tiên thực hiện Chỉ thị 02/CT-NHNN đã khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, có thể, đâu đó vẫn còn tình trạng lách trần lãi suất.

Bởi vậy, để chấm dứt tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần thực hiện kiểm tra, thanh tra nghiêm túc và xử lý kiên 96quyết hơn nữa.

 

Lãi suất đi xuống, vốn huy động giảm

 

Kết quả thanh tra giám sát của NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, tính đến ngày 15/9, nhìn chung, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 02. Tuy nhiên, qua kiểm tra, NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, vẫn còn tình trạng vượt trần lãi suất. Cụ thể, đó là trường hợp của Agribank Thanh Xuân. Báo cáo của NHNN chi nhánh Hà Nội cũng nêu ra một thực tế, từ khi thực hiện Chỉ thị 02, hầu hết các ngân hàng đều giảm vốn huy động từ thị trường 1 (huy động từ dân cư).

 

Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế (VIB), có thể vẫn còn tồn tại tình trạng cạnh tranh bằng lãi suất thỏa thuận trên thị trường ngân hàng. Ông Vũ cho biết, từ ngày 7/9 đến nay, huy động vốn từ khu vực dân cư của VIB giảm xấp xỉ 1.000 tỉ đồng và rất có thể, nguồn vốn này tiếp tục chạy vòng sang các ngân hàng có mức lãi suất cao hơn. Vốn huy động giảm khi lãi suất đi xuống - đó là tình hình chung của nhiều ngân hàng trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Đại diện Ngân hàng TMCP Phương Nam cũng thừa nhận nguồn vốn gửi tại ngân hàng này bị giảm khoảng 200 tỉ đồng trong tuần qua. Tại Công ty CP Tài chính Dầu khí (PVFC), việc khách hàng đến và mặc cả lãi suất vẫn rất phổ biến.  "Việc NHNN thực hiện kiểm tra tuần một vài lần vẫn chưa đủ mà phải làm thường xuyên hơn nữa. Như vậy, mới đủ thời lượng để thay đổi một thói quen. Hiện, NHNN đã có cơ chế thanh tra bí mật. Thực tế, đã phát hiện nhưng xử lý có vẻ còn cân nhắc. Phải quyết tâm xử lý mới giải quyết được tận gốc vấn đề"- đại diện PVFC nhấn mạnh.

 

Hơn 25.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất 17 - 19%

Thực hiện Chỉ thị 02/CT-NHNN của Thống đốc, các TCTD trên địa bàn Hà Nội đã dành hơn 25.000 tỉ đồng cho vay lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp nông thôn với lãi suất cho vay ưu đãi ở mức 17 - 19%/năm.  Đến cuối tháng 8, chỉ còn 1 ngân hàng có tỉ trọng cho vay phi sản xuất trên 22%. Theo NHNN chi nhánh Hà Nội, việc giảm tỉ trọng cho vay phi sản xuất của một vài ngân hàng vẫn còn khó khăn do việc cắt giảm nhiều hợp đồng tín dụng trung, dài hạn, khó thu hồi nợ trước hạn.

Tuy nhiên, hiện, nhiều ngân hàng vẫn đang rất trông chờ các qui định cụ thể từ NHNN về việc định nghĩa rõ ràng hơn thế nào là tín dụng sản xuất và tín dụng phi sản xuất cũng như hướng xử lý với các cam kết tín dụng phi sản xuất đã được ký trước thời điểm Nghị quyết 11 ra đời.

 
 

Xử lý nghiêm

 

Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, tuần đầu sau triển khai Chỉ thị 02, đa số các ngân hàng đều thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, để sự nghiêm túc này được lâu dài, các ngân hàng không "lách", không biến tướng lãi suất là một bài toán cần sự nỗ lực của không chỉ NHNN mà còn cả chính bản thân các ngân hàng.

 

Báo cáo kết quả hoạt động 8 tháng năm 2011 của NHNN chi nhánh Hà Nội thừa nhận, việc theo dõi, giám sát của cơ quan này về việc thực hiện lãi suất huy động bằng VND theo Chỉ thị 02/CT-NHNN của các TCTD trên địa bàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các TCTD đều báo cáo và niêm yết lãi suất khác so với lãi suất huy động thực tế. "Do vậy, việc phát hiện và xử lý vi phạm về lãi suất chưa được kịp thời và triệt để, hoạt động hạch toán của một số TCTD cũng không minh bạch, khó khăn trong giám sát nội bộ hoạt động của TCTD"- báo cáo nêu rõ.

 

Trước ý kiến về việc NHNN chi nhánh Hà Nội cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc hơn nữa các TCTD vi phạm, bà Sương cho biết, NHNN chi nhánh Hà Nội đã và vẫn đang rất cố gắng tiến hành kiểm tra, thanh tra nhằm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng. Thời gian tới, cơ quan này sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD trên địa bàn, xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm của TCTD nhằm đảm bảo thực thi chính sách tiền tệ. Kiên quyết không để tình trạng các NH thực hiện các biện pháp không lành mạnh trong cạnh tranh về huy động vốn, đẩy lãi suất huy động thực tế vượt trấn 14%.

 

Tuy nhiên, có một thực tế là trên địa bàn Hà Nội hiện có đến 2.060 điểm giao dịch. Chính vì thế: "Vấn đề cốt lõi và quan trọng là bản thân ngân hàng đó, từ lãnh đạo đến nhân viên phải có ý thức tuân thủ các qui định. Thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động, người hưởng lợi đầu tiên là chính bản thân các ngân hàng"- bà Sương cho biết.

 

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Trần Minh Tuấn:

Ý thức tuân thủ kém

Lần này, NHNN điều hành bằng mệnh lệnh dứt khoát, không phải để các ngân hàng thành viên có ý kiến mà buộc phải làm. Đã là mệnh lệnh hành chính thì phải làm nhanh, làm quyết liệt, không nên kéo quá dài. Bởi vậy, việc thực hiện trần lãi suất 14%, chúng tôi yêu cầu các ngân hàng làm nghiêm túc.

Thực tế, ý thức tuân thủ của các TCTD chúng ta kém. Việc chấm dứt thương lượng lãi suất người có lợi đầu tiên sẽ là chính bản thân ngân hàng.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Tiến Đông:

 

Vượt trần do nhận chỉ đạo chậm

Khi có Chỉ thị 02, trừ Agribank đã có văn bản chỉ đạo gửi tất cả các chi nhánh về việc nghiêm cấm vượt trần lãi suất qua office và bằng đường công văn. Tuy nhiên, Khoản huy động 3 tỉ vượt trần của Agribank Thanh Xuân lại huy động vào đầu giờ sáng. Do không cập nhật kịp qua office, mà đến 11 giờ  văn bản mới đến Chi nhánh Thanh Xuân nên Chi nhánh này vẫn huy động với lãi suất vượt trần. Ngay chiều 8/9, Agribank đã trực tiếp triệu tập tất cả Giám đốc Chi nhánh, Phòng giao dịch để chỉ đạo triển khai chỉ thị này.