Ký hợp đồng BOT sai là vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Chiều 9/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp tục phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) mở đầu phần tranh luận bằng vấn đề thu phí hợp đồng BOT.
Dẫn chứng kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 - 2020 với con số cho thấy 83 dự án BOT và BT được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu đối với các dự án là 302 năm, đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, có khó khăn trong quá trình giám sát các công trình BOT. Thực tế chứng minh những khó khăn trong giám sát quy trình thực hiện các dự án BOT để đảm bảo cho các dự án triển khai một cách hiệu quả, hiệu lực và đạt được mục tiêu đề ra.
Từ đó, đại biểu đoàn Hậu Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể làm rõ thêm về thực trạng này nhằm phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện vấn đề trên cũng như những giải pháp khắc phục đang được Bộ GTVT triển khai thực hiện.
Giải trình ý kiến tranh luận của đại biểu Lê Minh Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, khi chưa có Luật Đầu tư công, theo Nghị định 108, đấu thầu dự án là đấu thầu khi dự án đầu tư được duyệt, chưa phải thiết kế kỹ thuật được duyệt và không phải là dự toán được duyệt.
Trong khi đó, dự án đầu tư có phần dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và nhiều loại dự phòng khác. Bên cạnh đó, Nghị định 108 cũng quy định hợp đồng là hợp đồng nguyên tắc và ký hợp đồng theo dự án được duyệt. Trong hợp đồng có điều khoản sau khi dự án hoàn thành căn cứ vào kết quả quyết toán của dự án thì Bộ GTVT, nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí theo số liệu thực mà dự án đã được triển khai.
“Vì vậy chúng ta có hai con số. Con số kiểm toán nêu ra, chúng tôi đã báo cáo là số liệu này đúng nhưng chưa đúng bản chất, bởi chỉ đúng theo hợp đồng nguyên tắc, khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng” - Bộ trưởng Bộ GTVT nói và khẳng định Bộ GTVT không làm sai về vấn đề này bởi "ký hợp đồng sai là vi phạm pháp luật nghiêm trọng".
Luật Đầu tư công vẫn còn điểm bất hợp lý
Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) đặt vấn đề liên quan đến việc đến việc sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông với số vốn không lớn nhưng thủ tục đầu tư công rất nhiêu khê và chậm chạp.
Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết ngay sau kỳ họp này Bộ trưởng có thể trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính, mời thêm Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng để tìm cách tháo gỡ vướng mắc nói trên theo quy định của Luật Đầu tư công. Qua đó, các địa phương và các đơn vị, trong đó ngành giao thông phát huy được sự chủ động trong điều hành và sử dụng ngân sách hiệu quả nhất.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay có 2 nguồn vốn, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và nguồn vốn đầu tư công. Trong Luật Đầu tư công quy định, những dự án trên 500 triệu được xem như có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản, có một quy trình, hồ sơ riêng.
Những dự án dưới 500 triệu có nghĩa là sửa chữa nhỏ mới rút gọn được thủ tục. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cách đây khoảng 3 năm, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ rà soát, nghiên cứu vấn đề này để điều chỉnh lại Luật Đầu tư công hoặc phải có một cơ chế, quy định đối với việc sửa chữa nhỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá đây là việc bất cập, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Do đó, khi con đường xuống cấp, xuất hiện ổ gà rất cần thiết có một cơ chế để xử lý ngay, nhưng xử lý phải đúng luật, nếu xử lý không đúng sau này sẽ khó giải trình. Vì vậy, cần xem xét, điều chỉnh lại Luật Đầu tư công để đưa vào những trường hợp đặc biệt, những trường hợp cấp bách để xử lý.
Trong Luật Đầu tư công quy định, đối với những dự án cấp bách mà có vốn sẽ triển khai ngay. Huy động vốn để vừa thiết kế vừa thi công và triển khai luôn. Bộ trưởng Bộ GTVT bảy tỏ mong muốn sẽ nghiên cứu một số loại hình đặc thù để đưa vào Luật Đầu tư công. Với những trường hợp đặc thù thì thủ tục phải ngắn gọn, nhanh để thực hiện.