Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, đa dạng hóa nguồn cung và ứng dụng công nghệ số là “chìa khóa” giúp Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững, đảm bảo sự phục hồi lâu dài sau đại dịch.
Đối mặt khó khăn mới
Nền kinh tế đang có những dấu hiệu khởi sắc khi GDP (tổng sản phẩm trong nước) quý I/2022 tăng trưởng trên 5,03%. Điều này liệu có đồng nghĩa với việc các chuỗi cung ứng của Việt Nam đã thực sự phục hồi không, thưa ông?
- Dịch Covid-19 đã làm tổn hại một cách nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nắm bắt tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả, ví dụ như: Chuyển từ Zezo Covid sang sống chung an toàn với Covid-19; chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 toàn dân; động viên, hỗ trợ các DN nối lại chuỗi cung ứng. Cũng chính những biện pháp thiết thực, cụ thể rất đúng đắn đó, quý I/2022, nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi.
Rõ nét nhất phải để đến, trong quý I/2022, chúng ta vẫn xuất siêu hơn 800 triệu USD. Con số này chứng tỏ rằng chúng ta phần nào nối lại chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vẫn tìm được thị trường và đi ra những thị trường lớn. Đó là kết quả cho thấy các DN Việt Nam đã tận dụng triệt để những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Một lần nữa tôi muốn nhắc lại là những số liệu thống kê của quý I/2022 đã phản ánh sự hồi phục khả quan của nền kinh tế Việt Nam. Tôi cũng dự đoán năm 2022 mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,5%, thậm chí có khả năng đạt 7%.
Vậy theo ông thời điểm này các chuỗi cung ứng của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn nào?
- Hiện nay có một sự kiện chính trị ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế toàn cầu đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Như chúng ta đã biết, cả Nga và Ukraine đều là bạn hàng với Việt Nam; lượng hàng hóa của chúng ta xuất khẩu sang cũng như nhập khẩu về từ 2 thị trường này trong mấy năm gần đây đều tăng lên. Tuy nhiên, xung đột xảy ra đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Việt Nam (bởi đường bay của máy bay chở hàng hóa qua vùng trời của khu vực chiến sự bị ảnh hưởng). Đây là khó khăn lớn đối với các chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành tìm giải pháp khắc phục, làm sao để có thể đưa hàng hóa của chúng ta đi bằng con đường khác. Song song với đó là tận dụng lợi thế từ các FTA như: EVFTA, CPTPP, RCEP.
Mặt khác đối với nhiều yếu tố đầu vào, nguyên phụ liệu mà Việt Nam vẫn nhập khẩu từ các nước như: Trung Quốc, Hàn quốc, Malaysia… Chính phủ cũng chỉ đạo phải tận dụng những điều kiện trong các hiệp định thương mại đã ký kết với khu vực này không xảy ra gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất.
Liệu việc đa dạng hóa nguồn cung (thị trường xuất nhập khẩu) là giải pháp tháo gỡ khó khăn kể trên, thưa ông?
- Theo tôi, đó là những biện pháp vừa mang tính trước mắt, vừa lâu dài. Chúng ta không thể phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, bởi như vậy sẽ gây nên nhiều hệ lụy. Tôi lấy ví dụ, một số nông sản Việt Nam đang xuất khẩu qua đường biên giới phía Bắc, khi chính sách chống Covid-19 có sự chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc thì lập tức xảy ra các thiệt hại lớn do ứ đọng xe hàng hóa ở tất cả các cửa khẩu. Tình trạng này đã tiếp diễn, lặp lại nhiều năm, và chỉ khi nào Việt Nam đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu thì mới chấm dứt được điệp khúc này.
Mặc dù, hiện nay, Việt Nam thực hiện được một số biện pháp như tăng cường xuất khẩu thông qua vận chuyển bằng tàu hỏa, tàu thủy, nhưng các biện pháp vẫn chưa giải quyết được dứt điểm. Nó đòi hỏi cần phải có mối quan hệ lâu dài trong việc thiết lập chuỗi cung ứng giữa khách hàng (nhiều quốc gia) với Việt Nam thông qua các cam kết của các FTA, từ đó chúng ta xuất khẩu mạnh nông sản sang nhiều thị trường giá trị cao: EU, Mỹ, Nhật Bản…
Cơ cấu lại nền kinh tế trong nước
Ông nhận định như thế nào về xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng nhằm phân tán và giảm thiểu rủi ro đang hiện diện ở Việt Nam?
- Để có thể thực hiện được xu hướng này đòi hỏi Việt Nam phải có được hàng hóa phù hợp với từng thị trường. Điều kiện này rất quan trọng. Nói cách khác là Việt Nam phải xác định cụ thể sản xuất ra những hàng hóa để xuất khẩu vào thị trường nào, phục vụ cho đối tượng nào. Như vậy, vấn đề cốt lõi là phải cơ cấu lại nền kinh tế trong nước (công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng…).
Cùng với đó, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa hoạt động logistics. Vừa qua Bộ Công Thương đã có hoạt động tích cực để thúc đẩy logistics, tuy nhiên không thể phủ nhận hoạt động này của chúng ta đến nay vẫn non yếu và có nhiều bất cập. Để phát triển lĩnh vực này, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn và dài hạn.
Một yếu tố quan trọng cần phải nhắc tới là việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đối với thế giới trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định, nhất là về mặt chủ trương. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế trong nội bộ nền kinh tế của Việt Nam chưa đạt được như mong muốn, nó biểu hiện rất rõ ở chỗ khâu kết nối giữa khối DN Việt Nam với khối DN FDI chưa được chặt chẽ và chưa xứng tầm.
Trong khi đó, các vùng sản xuất nguyên liệu cũng như sản xuất sản phẩm công nghiệp của chúng ta chưa thực sự thay đổi theo yêu cầu của thị trường. Và việc thiết lập mối quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác có cùng thị trường cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Vậy ông có khuyến nghị nào dành cho các DN Việt Nam để phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng thời điểm này?
Thẳng thắn mà nói, lâu nay chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp, song việc thực hiện những giải pháp đó lại chưa làm được bao nhiêu. Cái quan trọng nhất đối với các DN hiện nay là cần chú trọng đầu tư cho công nghệ số. Hiện chỉ có một số ít DN lớn của Việt Nam ứng dụng được công nghệ số vào sản xuất, liên kết, xuất khẩu, ký kết hợp đồng…; còn lại một khối lượng lớn DN vừa và nhỏ do vướng mắc nhận thức, nguồn vốn, nguồn nhân lực nên chưa thực hiện được. Ứng dụng công nghệ số là yếu tố quan trọng để tăng sức cạnh tranh cho các DN. Do đó, đòi hỏi DN cần ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư vào công nghệ số để nắm bắt được thông tin, biết được công nghệ nào là công nghệ tiên tiến, công nghệ đó phù hợp với thị trường nào.
Các DN cũng cần xác định rõ, việc Việt Nam đã ký kết và thực thi các FTA với các quốc gia, khu vực, lãnh thổ không phải với mục đích chúng ta đưa hàng đi mà chúng ta phải nhập được hàng về. Theo tôi, chiều nhập về tốt nhất là Việt Nam nhập được những công nghệ tiên tiến, nhưng điều này chưa thực sự tích cực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Gói phục hồi kinh tế tổng thể với quy mô 350.000 tỷ đồng của Chính phủ chắc chắn sẽ mang lại các lợi ích to lớn, hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn cũng như hàn gắn và phát triển các chuỗi cung ứng. Song, làm thế nào để các gói hỗ trợ đó đến tận tay các DN thì Chính phủ và các bộ ngành cần nghiên cứu một cách kĩ lưỡng. Gói hỗ trợ “hoành tráng” nhưng hiệu quả mà nó tác động có thiết thực và tức thời đối với các DN hay không thì vẫn là bài toán khó." - PGS.TS Phạm Tất Thắng