Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Đặt trọng tâm vào những lĩnh vực thế mạnh
Trong thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; kế hoạch năm 2013 tại kỳ họp lần này, vấn đề tái cấu trúc lại nền kinh tế được coi là điều kiện cần thiết để đảm bảo duy trì tăng trưởng và phát triển. Theo tôi, lộ trình đã đặt ra, việc tái cơ cấu cần phải quyết liệt và khẩn trương hơn nữa. Bên cạnh tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cần đặt trọng tâm vào những lĩnh vực thế mạnh và bền vững như nông nghiệp, du lịch…
TS Nguyễn Trọng Tài (Học viện Ngân hàng): Nên bình tĩnh với nợ xấu
Xử lý vấn đề nợ xấu không thể gấp gáp được, mà cần có lộ trình. Bản thân nợ xấu ngân hàng chủ yếu nằm trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các DN bất động sản, hiện lượng hàng tồn kho đang rất lớn và không dễ xử lý. Bởi vậy, bản thân mỗi ngân hàng cần có phương án xử lý nợ xấu của chính mình và báo cáo với NHNN để cơ quan này có những giải pháp xử lý tốt nhất. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, cầu thị và bình tĩnh chứ không chỉ hô hào chung chung.
Ông Dương Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt 10/10: Doanh nghiệp đang rất cần được chia sẻ
Mỗi khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, DN là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên. Sức "đề kháng" của DN Việt Nam đang rất yếu, nên để cứu DN, Nhà nước cần giảm bớt các loại thuế, phí, ổn định tối đa giá cả các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như xăng, điện...
Bên cạnh đó, chúng tôi luôn mong được "đối xử" công bằng hơn. Cụ thể, hiện ngân hàng còn dư tiền, cần chia sẻ rủi ro với DN và chia sẻ với cả nền kinh tế.