Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vấn đề không mới nhưng luôn “nóng”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có nhiều vấn đề không mới, đã được nhiều lần đề cập tới trên nghị trường Quốc hội, nhưng vẫn tiếp tục làm “nóng” phiên chất vấn và trả lời chất vấn người đứng đầu ngành NN&PTNT. Bởi đây đều là những vấn đề cốt lõi, liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh kế của đa số người dân, nhất là khu vực nông thôn. Việc tìm ra những giải pháp khả thi nhằm giải quyết một cách triệt để bất cập, tạo đột phá trong lĩnh vực này tiếp tục được đặt ra.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại Quốc hội
Với con số 43 ĐB chất vấn, 14 ĐB tranh luận lại và 22 ĐB hỏi chưa được trả lời hoặc chưa được hỏi do không còn thời gian, cho thấy rằng nông nghiệp có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có bài toán toán “nông nghiệp vẫn đang sản xuất, bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, giá trị cao”. Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: "Bộ trưởng đã nắm rõ tình hình, trả lời thẳng thắn, nhận trách nhiệm làm rõ vấn đề cũng như đưa ra giải pháp khắc phục những bất cập của ngành”. Dù thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, nhưng trước thực tế điệp khúc “được mùa mất giá”, thậm chí “mất mùa mất cả giá” liên tục lặp lại, rồi những hình ảnh nông sản ùn ứ ở cửa khẩu… các ĐB đã đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng với người dân và mong muốn những giải pháp từ vị “nhạc trưởng” ngành nông nghiệp để vấn đề này không còn “biết rồi khổ lắm nói mãi” nữa.
Chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận tình trạng “thừa thiếu vẫn xảy ra”, chế biến đang là khâu yếu, còn khoảng cách với sản xuất. Bộ trưởng cũng chia sẻ suy nghĩ sản xuất nông nghiệp rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng như lập luận của một số ĐB, vấn đề quan trọng nhất là chuỗi giá trị sản phẩm, đi từ sản xuất, qua chế biến, thị trường. Nhưng muốn tham gia thị trường phải có quy hoạch sát thực tế. Việc trồng cây gì, con gì, ngành nông nghiệp là ngành chủ quản, phải chịu trách nhiệm vấn đề đó. Một vấn đề nữa được đưa ra là kinh tế hộ nhỏ lẻ, tích tụ tập trung đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gây khó khăn cho ứng dụng khoa học, công nghệ và cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp. Hoặc để tiêu thụ được phải có DN, chế biến được cũng phải có DN, dù số DN quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần, nhưng là chưa đủ. Việc có được các giải pháp đột phá hơn để hấp dẫn DN có công nghệ cao đầu tư vào lĩnh vực này, tạo ra được vùng sản xuất lớn cũng cần tính đến.
Với tình hình dịch bệnh, thiên tai khó lường, sự biến đổi liên tục của thị trường... nông nghiệp vẫn là một vấn đề chưa hết “nóng” bởi còn nhiều câu hỏi không dễ gì có được ngay câu trả lời. Nhưng qua phiên chất vấn có thể thấy, để nông dân có thu nhập cao hơn từ nông nghiệp, phải làm những sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá trị cao hơn và bền vững, hiệu quả hơn, sản xuất những gì thị trường cần. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã khẳng định, sẽ tiến hành rà soát lại các vùng sản xuất, phát huy lợi thế của địa phương, giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả, hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn. Đồng thời nhận trách nhiệm về việc định hướng, chỉ đạo để có chuyển biến mạnh mẽ hơn trong sản xuất. Nhưng trước tình trạng thực tế tái cơ cấu nông nghiệp từ cây lúa, con cá, cà phê… vẫn chủ yếu là lấy giá rẻ cạnh tranh, vẫn nơm nớp bị ép giá, trả về hay đổ bỏ… các ĐB cũng như cử tri vẫn muốn thấy được nhiều hơn những giải pháp đột phá từ ngành chủ quản được thực thi trong thực tế.