Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vấn đề thủy điện lại làm "nóng" nghị trường Quốc hội

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, khi có chủ trương đầu tư một dự án thủy điện, trước hết các dự án này đều phải được bổ sung vào quy hoạch, trong đó có các tiêu chí về sử dụng đất thực hiện dự án. Địa phương quyết định việc bổ sung quy hoạch. Sau khi được thông qua, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành liên quan để đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khác nhau. Các dự án thủy điện phải đăng công khai đánh giá tác động về môi trường… Đối với các dự án thủy điện hết vòng đời dự án, luật và các văn bản dưới luật đã quy định chủ đầu tư phải đánh giá lại an toàn hồ đập, có phương án tháo dỡ cụ thể. Chủ đầu tư dự án điện mặt trời có trách nhiệm xử lý các tấm pin khi đã hết thười gian sử dụng.
Tuy nhiên, sau phần giải trình thêm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa), đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai), đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau)... đã tiếp tục tranh luận về vấn đề này.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. 
Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, nếu nghe phát biểu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ hôm qua đến nay thì “mọi thứ đều đúng cả, chỉ có trời mưa nhiều quá”!? “Bộ trưởng có nói là do chính quyền địa phương, do quy hoạch, khâu tổ chức thực hiện. Nhưng tôi thấy có một nhận xét thế này, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì gắn liền với đó là có lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt. Hôm qua Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến có nói gió núi, mưa ngàn. Các cụ ngày xưa còn nói “tức nước vỡ bờ”. Chúng ta làm nhiều đập thủy điện thì không vỡ ở thủy điện, đập thủy điện thì vỡ ở chỗ khác. Nước dâng cao thì nó phải tìm đường thoát mà thoát nước tạo ra trái quy luật tự nhiên thì sẽ gây những hậu quả. Tôi không phải là nhà khoa học. Câu trả lời về nguyên nhân lũ lụt, sạt lở thì Chính phủ và các nhà khoa học sẽ có ý kiến chính thức cuối cùng. Cá nhân tôi nhận xét như thế, nhiều đại biểu Quốc hội quanh tôi đều có chung nhận xét tôi”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng chỉ rõ.
Liên quan đến hồ chứa nước bản Mồng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) cho biết, đây là câu chuyện đáng ra Quốc hội phải làm từ lâu rồi. Vậy Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư hay là Quốc hội căn cứ Luật Đầu tư công, Chính phủ báo cáo để Quốc hội thông qua việc chuyển đổi đất rừng? Có một nghịch lý ở đây là mỗi lần điều chỉnh dự án thì lại tăng diện tích rừng đầu nguồn phải chuyển đổi mục đích sử dụng lên. “Đây là vấn đề cần có lời giải thích. Việc thu hồi đền bù, giải tỏa tái định cư bản Mồng, cử tri điện cho tôi là hiện nay chưa triển khai mà dự án này chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho biết.

Mặt khác, hợp phần thủy điện trên sông Hiếu hơn 200 km để cốt tám dự án thủy điện nhỏ và vừa. Bây giờ có phải do có hợp phần dự án thủy điện mà chúng ta phải tính toán lại, điều chỉnh lại diện tích rừng hay không? Đây cũng là câu chuyện phải có câu trả lời chính thức. đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị, Quốc hội cần xem xét lại quyết định chủ trương đối với dự án hồ chứa nước bản Mồng; giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án này; nếu muốn khai thác, sử dụng thì phải đền bù, tái định cư cho người dân trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Nhìn nhận ở góc độ khác, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, ông tán thành với nhận định của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đúng là các dự án thủy điện có hai mặt. Nhưng như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu thì các dự án đều được làm đúng quy trình. “Chúng ta đã làm đúng như vậy thì phải ủng hộ điều đó. Về mặt tiêu cực của các dự án này, Bộ Công Thương hiện nay đang kiểm soát tương đối chặt chẽ và đặc biệt nhiệm kỳ này, kiểm soát rất chặt. Chúng ta ủng hộ hộ điều đó”, ông Đỗ Ngọc Thịnh nói. Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương cần chỉ đạo để kiểm soát chặt chẽ và kiểm soát một cách hiệu quả hơn những tiêu cực của dự án thủy điện.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh cũng đồng tình nhận định của đại biểu Dương Trung Quốc về các dự án thủy điện như một quả bom nổ chậm. Tuy nhiên, đây là nhận thức chủ quan về điều kiện khách quan.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rõ, hiện nay có đúng là như vậy không? "Nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo ngòi nổ đó. Nhưng tôi nghĩ cũng không đến mức độ như quả bom nổ chậm, nếu đúng như vậy thì nguy hiểm quá. Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ điều đó. Tôi đồng tình với những giải pháp mà Bộ Công Thương hiện nay đang triển khai để kiểm soát dự án thủy điện. Tôi nghĩ, chúng ta nên đồng tình chuyện đó không có gì mà không có hai mặt cả, chúng ta nhận thức được những tiêu cực, những hạn chế và có giải pháp hiệu quả”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nói.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đối với các dự án thủy điện chúng ta cần có tầm nhìn sau 30-40 năm để có chế tài buộc doanh nghiệp phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật.
Cũng tranh luận về nội dung này, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhắc lại câu chuyện xây dựng thủy điện sông Đà, với mục tiêu ban đầu là trị thủy, sau đó mới tới phát điện. Nhờ có thủy điện sông Đà mà Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử, còn trước đó, như năm 1971, chúng ta phải phá đê để "cứu" Hà Nội. Tuy nhiên, mặt trái của thủy điện cũng tồn tại, như một số chủ đầu tư lạm dụng công trình để trục lợi thông qua phá rừng. Do đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị, phải đánh giá khách quan, nhiều chiều về hiệu quả và tác động của thủy điện. “Cần xử lý nghiêm, lên án các chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra, nhưng không vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Lũ lụt, thiên tai không phải lỗi do thủy điện

Phát biểu làm rõ một số nội dung được các đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong những ngày qua đã lắng nghe các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trước thiên tai và hậu quả ở miền Trung. Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ với những mất mát của miền Trung, những khó khăn, gian khổ của các lực lượng đang khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn do thiên tai.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, theo các thống kê, xu hướng cực đoan của thời tiết, khí hậu trên toàn cầu đang tăng lên. Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo các chương trình nghiên cứu lũ quét, lũ lụt ở miền Trung và Tây Nguyên, về sạt lở đất và cảnh báo sạt lở ở miền Trung, Tây Nguyên.

Về các vụ việc xảy ra vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phải có nghiên cứu độc lập của các cơ quan khoa học để đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, theo thông tin cho tới nay, nguyên nhân là do tổ hợp các dạng thiên tai như 4 cơn bão liên tiếp, lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử, như Quảng Nam có mưa tới 500mm một ngày, có nơi từ 2.000 đến 4.000 mm. Các số liệu cho thấy các điểm sạt lở như ở trạm kiểm lâm 67, Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc (Phước Sơn), đoàn 337... ở độ cao từ 300-900m, nên ở đây không có vấn đề do thủy điện. Toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, do phong hóa, đất cát sét sỏi độ gắn kết rất thấp, địa hình dốc, tạo ra độ trượt, tạo ra đứt gãy...; cộng thêm lượng mưa lớn gia tăng trọng lượng trượt. Chúng ta cũng phải đánh giá cụ thể hơn về thực trạng rừng tại các khu vực này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, lũ lụt, thiên tai không phải lỗi do thủy điện. Cũng theo Bộ trưởng, việc điều tiết các hồ chứa trong khu vực nhịp nhàng, chặt chẽ như vừa qua đã làm giảm lũ từ 30 đến 70% cho vùng hạ du. Cùng với đó, các hồ chứa cũng có hiệu quả trong chống hạn.

Cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chỉ ra những thách thức về tư duy phát triển, về phát triển bền vững, về tăng trrưởng xanh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Lúc này dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần sớm thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đầu tư nguồn lực để thực hiện các mục tiêu môi trường trong thực tế.

Nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường về việc trước đây trên địa bàn cả nước có 9 triệu ha rừng, bây giờ có 14 triệu ha rừng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: mấy chục năm trước chúng ta có 9 triệu ha rừng thì có bao nhiêu rừng tự nhiên, bao nhiêu rừng trồng? Bây giờ chúng ta có 14 triệu ha rừng, thì có bao nhiêu triệu ha rừng tự nhiên, bao nhiêu phần rừng trồng? Vai trò của hai loại rừng này khác nhau.

Không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia cực kỳ rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ, Canada người ta vẫn kiên quyết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên. Có đại biểu từng nêu và tài liệu cũng cho thấy vai trò, chức năng bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng, tích lũy nước ngầm của rừng tự nhiên khác với rừng trồng. Rừng trồng cứ 3 hoặc 5 năm lại cho phép khai thác, lại chặt đi, lại trồng mới nên sẽ khác ngay. “Chúng ta không thể nói chung chung để so sánh đơn giản thế được”, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Nói về vấn đề thủy điện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng chỉ rõ, chúng ta không thể đổ thừa cho thủy điện nhưng một dòng sông chịu được bao nhiêu thủy điện? Nếu dòng sông này chịu được 3 thủy điện mà cho làm 8 thủy điện thì sẽ khác. Khi xét duyệt 1, 2 , hay 3 thủy điện đầu tiên sẽ khác nhưng xét duyệt đến thủy điện thứ 4, thứ 5, thứ 6 thì tác động của nó đã khác. "Nếu chúng ta đơn giản hóa vấn đề này thì không thấy được trách nhiệm nhà nước ở đâu." - Ông Trương Trọng Nghĩa cho biết.