KTĐT - Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) ban hành từ năm 1997 đã quy định cụ thể việc bán hàng hoá phải xuất hoá đơn. Thế nhưng đã hơn chục năm qua, ngành thuế gần như bỏ ngỏ việc kiểm tra, xử lý.
Trong khi số thu từ sản xuất kinh doanh chỉ đạt 95% chỉ tiêu pháp lệnh thì số tiền hoàn thuế VAT lại tăng đến 45,7% so với năm trước.
Năm 2009, nếu số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM bị xếp hạng chưa đạt chỉ tiêu với tổng thu 47.336 tỷ đồng (95%) so với chỉ tiêu pháp lệnh, thì ngược lại, số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đã tăng đột biến, đến 45,7% so với năm trước.
Nguyên nhân của sự nghịch lý này đã được chỉ ra: do bán hàng không xuất hoá đơn, doanh nghiệp khai báo gian dối, giấu doanh số bán…
Hóa đơn, xuất mới lạ!
Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) ban hành từ năm 1997 đã quy định cụ thể việc bán hàng hoá phải xuất hoá đơn. Thế nhưng đã hơn chục năm qua, ngành thuế gần như bỏ ngỏ việc kiểm tra, xử lý.
Với quy định hiện nay, doanh nghiệp, cá nhân khi bán hàng có giá trên 100.000 đồng - dù người mua không có yêu cầu - vẫn phải có trách nhiệm xuất hoá đơn. Vậy nhưng rất nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm (những đơn vị bán lẻ, đã thu tiền thuế VAT từ người tiêu dùng) hầu hết đều “làm lơ” với việc xuất hoá đơn theo quy định nói trên.
Tại TP.HCM, báo chí thời gian qua đã tự làm một vài cuộc «điều tra bỏ túi» và nhận thấy việc không xuất hóa đơn khi bán hàng phổ biến đến nỗi ai xuất hóa đơn mới là... chuyện lạ!
Tình trạng này xem ra cũng không chỉ có ở TP.HCM mà phổ biến ở rất nhiều địa phương khác trong cả nước.
Do có thể «tự quyết định» trong việc xuất hay không xuất hóa đơn nên doanh nghiệp bán lẻ chính là loại hình doanh nghiệp dễ dàng “chiếm dụng” VAT của Nhà nước nhất vì việc giấu doanh số, với họ, không có gì khó khăn.
Có kiểm tra là có vi phạm
Lãnh đạo Cục thuế TP.HCM cho rằng nếu không kiểm tra thì thôi chứ đã kiểm tra là có ngay vi phạm!
Năm 2009, qua kiểm tra hơn 7.000 hồ sơ, cơ quan thuế đã truy thu và xử phạt trên 1.400 tỷ đồng. Công tác thanh tra tiến hành 889 lượt cũng thu và phạt các DN hơn 1.100 tỷ đồng.
Hàng loạt vi phạm trốn thuế đã bị "lôi ra" sau các đợt kiểm tra chuyên đề của Cục Thuế TP.HCM, như vụ 24 chi nhánh DN đóng tại TP.HCM khai báo doanh thu 22 tỷ đồng trong khi sổ sách chép tay của chi nhánh thể hiện doanh thu thật sự lên đến 43 tỷ đồng!
Tương tự, Chi cục thuế quận 5 kiểm tra 8 cửa hàng vải sợi (cửa hàng trực thuộc công ty ở địa chỉ khác) cũng phát hiện doanh số bán thực tế chỉ có... 259% so với hồ sơ khai thuế.
"Kỹ xảo" vi phạm chủ yếu đều thông qua cách bán hàng không xuất hoá đơn, lập 2 sổ sách kế toán chênh lệch nhau.
Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM, cho biết: “Sau khi cơ quan thuế kiểm tra, khảo sát tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống (loại ngành hàng không xuất hoá đơn nhiều nhất tại TP.HCM), các đơn vị này đã phải tự điều chỉnh lại doanh thu tăng 30% - 40% so với kê khai lúc đầu!”.
“Đòi” hoàn thuế
Chỉ tiêu pháp lệnh về nguồn thu năm 2009 từ sản xuất kinh doanh của TP.HCM không đạt, thế nhưng trong năm, Cục Thuế TP.HCM phải giải quyết 2.542 hồ sơ "đòi" hoàn thuế VAT với số tiền hoàn thuế lên đến 7.249 tỷ đồng, tăng 45,7% so với năm 2008.
“Lĩnh vực hoàn thuế cao nhất là khai thác dầu khí với số tiền hoàn thuế lên đến trên 1.800 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm trước”, ông Lê Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM, nói.
Có lẽ các doanh nghiệp bán lẻ là nhóm DN đến nộp hồ sơ “đòi” hoàn thuế nhiều nhất. “Thật khôi hài! Nhiều DN chúng tôi phải “điểm mặt”, họ mới rút hồ sơ về”, một số cán bộ thuế cho biết.
Được quyền “tự khai, tự tính thuế”; việc bán hàng không xuất hoá đơn thì gần như được thả nổi nên gần như DN cũng có... quyền muốn khai thuế bao nhiêu thì khai!
"Hồ sơ khai thuế được phép nộp sau cả tháng tính từ khi xuất hàng nên thực chất, việc kiểm soát của cơ quan thuế chỉ là kiểm... chuyện đã rồi, kiểm trên giấy mà thôi", một cán bộ thuế nói.
Ngoài ra, còn phải kể đến việc mỗi cán bộ thuế hiện nay phải quản lý bình quân từ 150 đến 180 doanh nghiệp nên "chỉ riêng chuyện đọc báo cáo thuế thôi cũng đã mệt, làm gì có thời gian kiểm tra" như "than thở" của lãnh đạo chi cục thuế quận 1 và quận Tân Bình.
Mức xử phạt đối với hành vi này quá thấp, chỉ vài triệu đồng/vụ, cũng là sự "thêm vào" để "khuyến khích" DN trốn thuế .
"Với những cửa hàng, trung tâm lớn có doanh số bán mỗi ngày vài tỷ đồng như trung tâm điện máy Nguyễn Kim, Phong Vũ, Phan Khang…, số tiền phạt nói trên không đủ "gãi ngứa", nói gì đến răn đe", nhiều cán bộ thuế ca thán!
“Nhưng hậu quả của việc bán hàng không xuất hoá đơn đâu phải chỉ là thất thu thuế của Nhà nước! Đó là khoảng trống vô tận để hàng lậu thoải mái tràn vào trị trường”, một chủ doanh nghiệp xin giấu tên, nói.
Khi hàng bán ra không cần xuất hoá đơn thì hàng lậu cứ thế đến tay người tiêu dùng mà không thể biết chính xác xuất xứ, DN thì không cần phải báo cáo thuế và dễ dàng “ẵm” luôn cả phần thuế VAT mà người dân đã đóng trong giá đã tính thuế!
Vừa qua, sau phản ánh của báo chí về việc nhiều cửa hàng bán hàng không xuất hóa đơn, Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM đã tung quân kiểm tra. Kết quả cho thấy hầu hết các đơn vị này đều có bán hàng lậu!
Rõ ràng, không phải vô cớ mà vị chủ DN trên đưa ra những khẳng định chắc nịch như vậy!