Đó là nhận định được rút ra qua đợt giám sát của Thường trực Thành ủy Hà Nội về thực hiện việc cưới, tang và lễ hội theo nếp sống văn minh vừa qua.
Bước đầu cho “phong cách” mới
Theo nhận định của nhiều quận, huyện, Chỉ thị số 11-CT/TU với những quy định mang tính định lượng về khách mời, hình thức tổ chức… cũng là một cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền. Việc hạn định số lượng khách mời chính là "cái cớ" để khắc phục tình trạng mời tràn lan, "trả nợ miệng". Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Trần Thị Thanh Nhàn khẳng định: Nhiều cán bộ, đảng viên tổ chức đám cưới cho con chỉ mời 150 - 200 khách, có người tổ chức tiệc trà. Quận cũng ưu tiên dành quỹ đất xây dựng nhà văn hóa ở các khu dân cư, vừa làm nơi sinh hoạt của cộng động vừa làm nơi tổ chức đám cưới.
Lễ cưới tập thể tại cầu Thê Húc năm 2012.Ảnh: Anh Tuấn
Được đánh giá là đơn vị đi đầu trong thực hiện cưới văn minh, ngay từ năm 2009, Quận ủy Hà Đông đã đưa ra những tiêu chí, quy định rõ ràng trong thực hiện. Cụ thể, cưới làm cỗ không quá 40 mâm (6 người/mâm), không mời khách dự tiệc cưới trong giờ làm việc, tổ chức tiệc cưới gói gọn ở một nơi trong một ngày. Quận cũng chọn thực hiện cùng lúc 4 biện pháp kết hợp tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện, có những chế tài xử lý vi phạm. Kết quả, từ 60,8% đám cưới thực hiện theo nếp sống văn hóa năm 2009 đã tăng lên gần 85% đến thời điểm này. Và 4 năm qua, Hà Đông đã kỷ luật 20 đảng viên với các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc thôi việc.
Trong việc tang, các địa phương cũng cơ bản bài trừ các hủ tục lăn đường, chém quan trừ tà, khóc thuê, ăn uống linh đình kéo dài… Đáng nói, mô hình tang văn minh, thực hiện hỏa táng với ưu điểm bảo đảm vệ sinh môi trường, không tốn diện tích đất để chôn cất đang là sự lựa chọn của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Theo thống kê, quận Đống Đa là địa phương có số ca hỏa táng, điện táng cao nhất hiện nay với 1.444 trường hợp năm 2012, đạt tỷ lệ 86,16%.
Khó bỏ qua nếp cũ
Một điểm chung dễ nhận thấy là dù tự nhận đã đạt kết quả bước đầu, nhưng tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức sang hành động vẫn là điều các đơn vị "kêu" khó. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thị Liên cho rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân đang chạy theo lối sống thực dụng, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại. Thậm chí, có trường hợp "né" quy định không tổ chức quá 40 mâm, nhiều gia đình trong quận đã chọn làm tiệc cưới tại nơi khác.
Hầu hết báo cáo tại các đơn vị đoàn đến giám sát cũng đánh giá: "Một số cán bộ, công chức, đảng viên chưa thực sự gương mẫu trong việc cưới, việc tang". Tuy nhiên, lãnh đạo các quận, huyện cũng "chưa tiện" chỉ rõ tên, địa chỉ, số đó chiếm bao nhiêu phần trăm. Và sự thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng xấu, gây khó khăn cho việc vận động người dân.
Chủ tịch UBND phường Khương Thượng (quận Đống Đa) Nguyễn Đình Tiên cho biết, xu hướng "phú quý sinh lễ nghĩa" là nguyên nhân đầu tiên của hầu hết các vụ vi phạm việc cưới, việc tang văn minh. Bởi đều tập trung vào một số hộ gia đình có tiềm lực kinh tế hay các chủ doanh nghiệp tư nhân. Đây cũng là nhóm đối tượng mà phường thiếu sát xao trong công tác tuyên truyền, vận động.
Cùng với thiếu chế tài, thiếu cơ chế để xử lý, đến nay chưa có địa phương nào xây dựng điển hình trong việc cưới để nhân rộng mà có tâm lý trông chờ TP ban hành để làm theo. Có lẽ đó cũng là yếu tố khiến việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang vẫn dừng ở bước tuyên truyền, vận động.