Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí thời kỳ đổi mới

Nguyên Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/11, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra Hội thảo khoa học "Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Hội thảo khoa học nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới” do PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm Chủ nhiệm.

Đồng chủ trì hội thảo khoa học có: GS.TS Lê Văn Lợi -Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Viết Thảo - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo khoa học
Các đồng chí chủ trì Hội thảo khoa học

Góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, chủ trương, chính sách, pháp luật về báo chí

Phát biểu tại Hội thảo khoa học, GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hội thảo nhằm góp phần cung cấp những luận cứ khoa học rất quan trọng cho việc xác định quan điểm chỉ đạo, đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Qua đó, để báo chí - truyền thông phát huy tối đa những thành tựu lịch sử đã đạt được trong gần 100 năm qua. Đồng thời, tiếp tục có những đóng góp thiết thực khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo khoa học
GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo khoa học

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học, PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Việt Nam không ngừng phát triển, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước, đồng thời sản sinh ra thế hệ những người làm báo ưu tú, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc", xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới từ bối cảnh quốc tế và trong nước.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong bối cảnh đó, cần phải khẳng định những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là bất biến và tiếp tục là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của báo chí - truyền thông trong nước, nhưng cần phải được hiểu, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Theo PGS.TS Mai Đức Ngọc, cần đánh giá khách quan, toàn diện việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông thời gian qua. Từ đó xác định rõ những vấn đề đặt ra, quan điểm chỉ đạo và định hướng giải pháp để tiếp tục phát triển báo chí - truyền thông trong bối cảnh mới.

PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề tài cho rằng, cần đánh giá khách quan, toàn diện việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông thời gian qua
PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề tài cho rằng, cần đánh giá khách quan, toàn diện việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông thời gian qua

Đặc biệt, cần tập trung vào những tư tưởng của Người về sứ mệnh, nhiệm vụ, phẩm chất, năng lực người làm báo chí hiện đại, yêu cầu đối với sản phẩm báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, chủ trương, chính sách, pháp luật về báo chí đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Tại hội thảo, bàn về vấn đề đặt ra từ thực tiễn phát triển báo chí - truyền thông hiện nay, TS Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhìn nhận, hiện nay, cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí, với 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có 20.508 người được cấp thẻ nhà báo.

Với sự phát triển không ngừng của báo chí cùng sự phát triển của đất nước, tạo nên gương mặt, chất lượng và xu thế phát triển của nền báo chí Việt Nam, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển đó, đã và đang bộc lộ không ít vấn đề nan giải, cấp bách phải giải quyết tổng thể, nếu muốn phát triển đồng bộ, thống nhất, mạnh mẽ và ngang tầm sứ mệnh.

Theo TS Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, với sự phát triển không ngừng của báo chí cùng sự phát triển của đất nước, tạo nên gương mặt, chất lượng và xu thế phát triển của nền báo chí Việt Nam
Theo TS Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, với sự phát triển không ngừng của báo chí cùng sự phát triển của đất nước, tạo nên gương mặt, chất lượng và xu thế phát triển của nền báo chí Việt Nam

Theo TS Nhị Lê, báo chí khó có thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin nhưng chắc chắn sẽ vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo. Vì thế, thay vì chạy đua để trở thành người đưa tin số một, báo chí cần có những bài chuyên sâu, bài nghiên cứu, bài phân tích, kiến giải để người đọc thấy được sức thuyết phục, độ tin cậy của báo chí.

Để báo chí thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin, tuyên truyền

Trong tham luận tại hội thảo, PGS.TS Hà Huy Phượng - Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, là nhà báo cách mạng vĩ đại, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

PGS.TS Hà Huy Phượng - Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng vĩ đại, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam
PGS.TS Hà Huy Phượng - Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng vĩ đại, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam

Trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác Hồ là tác giả của hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký. Người sử dụng gần 200 bút danh. Mỗi con chữ, bài viết của Người là một lời hiệu triệu, truyền bá lý tưởng cộng sản và con đường giải phóng dân tộc.

"Trong cuộc đời làm báo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo. Học Người làm báo là học làm cách mạng, là học làm nghề chuyên nghiệp. Những kinh nghiệm quý giá trong cuộc đời làm báo của Người chính là những bài học lớn để các thế hệ người làm báo Việt Nam noi theo" - PGS.TS Hà Huy Phượng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Công Dũng - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản
TS Nguyễn Công Dũng - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản

Để báo chí thực sự là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, với góc nhìn của một người đứng đầu cơ quan báo chí, TS Nguyễn Công Dũng - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản đã đề xuất 5 giải pháp chính: Tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh; các cơ quan báo chí phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao chất lượng nội dung; chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bám sát Nghị quyết của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phát huy vai trò trong hội nhập quốc tế; rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn, phấn đấu vì nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

TS Đỗ Anh Đức - Giảng viên Viện Đào tạo Báo chí – Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho hay, nhiều tòa soạn báo chí đang phải đối mặt với các thách thức không nhỏ về năng lực cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội và dịch vụ trực tuyến
TS Đỗ Anh Đức - Giảng viên Viện Đào tạo Báo chí – Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho hay, nhiều tòa soạn báo chí đang phải đối mặt với các thách thức không nhỏ về năng lực cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội và dịch vụ trực tuyến

Là người nghiên cứu và giảng dạy về báo chí - truyền thông, TS Đỗ Anh Đức - Giảng viên Viện Đào tạo Báo chí – Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho hay, nhiều tòa soạn báo chí đang phải đối mặt với các thách thức không nhỏ về năng lực cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội và dịch vụ trực tuyến. Các mô hình kinh doanh truyền thống đang bị thay thế bởi những mô hình kinh doanh mới; thách thức trong việc tìm kiếm cơ hội để tiếp cận và thu hút công chúng, duy trì niềm tin của độc giả…

Phát biểu tổng kết, PGS.TS Mai Đức Ngọc cho hay, các ý kiến tham luận và thảo luận của các nhà khoa học tại Hội thảo đã đánh giá toàn diện những thành tựu, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Đồng thời, nhấn mạnh sự thống nhất quan điểm về việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này cho thấy sự quyết tâm của những người làm báo chí trong việc kế thừa và phát huy di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.