Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hiến Thăng Long là sự kết tinh của văn hoá Việt Nam

Minh An - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, các nhà khoa học nhấn mạnh văn hiến Thăng Long chính là sự kết tinh của văn hoá Việt Nam

Phát huy các giá trị của văn hiến Thăng Long

Mở đầu phiên tham luận tại Hội thảo, GS.TS Đặng Cảnh Khanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên bàn về khái niệm văn hiến và văn hiến Thăng Long.

Quang cảnh phiên thảo luận. 
Quang cảnh phiên thảo luận. 

Theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh đã đặt vấn đề từ lý luận đến thực tiễn, so sánh khái niệm văn hiến với văn hoá, văn minh, văn vật. Từ đó đưa ra những đặc trưng về văn hiến của Hà Nội trải qua hơn 1.010 năm lịch sử. GS.TS Đặng Cảnh Khanh đưa ra những khái niệm về văn hiến của các học giả trước kia cũng như hiện nay.

Theo đó, ở Việt Nam, từ văn hiến xuất hiện lần đầu tiên trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (1428): “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh phát biểu tại Hội thảo.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh phát biểu tại Hội thảo.

Từ những phân tích dựa trên cơ sở lịch sử, GS.TS Đặng Cảnh Khanh nhấn mạnh: Chúng ta có thể khẳng định rằng khái niệm văn hiến là bao hàm không chỉ nội dung văn hóa, văn minh mà còn chứa dựng một yếu tố quan trọng nữa, đó là những hiền tài của đất nước. Nền văn hiến của một dân tộc bao gồm cả trình độ văn hóa và số lượng hiền tài của dân tộc ấy.

Từ làm rõ khái niệm, GS.TS Đặng Cảnh Khanh liên hệ thực tiễn đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hiến Thăng Long.

 

Sự phát triển của Thăng Long là biểu trưng cho sự phát triển của đất nước. Văn hiến Thăng Long – Hà Nội chính là sự kết tinh của văn hiến Việt Nam. Văn hiến Thăng Long – Hà Nội tiếp thu tinh hoa của các vùng đồng thời lại chuyển tiếp tinh hoa ấy cho các vùng khác.

Ở chiều cạnh lịch sử, con người Thăng Long cần phát huy truyền thống tinh hoa văn hoá từ xa xưa của dân tộc và thành tựu về mọi mặt của cả nước để cùng cả nước xây dựng nền văn hiến của dân tộc Việt Nam và Thủ đô.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên

Thăng Long - Hà Nội có điều kiện giao lưu vừa rộng rãi vừa mật thiết với tất cả các vùng văn hóa khác trong cả nước, là nơi “bốn phương hội tụ” của văn hóa. Xem xét tình hình cư dân của Thủ đô có thể thấy ngay sự hội tụ ấy.

Vì là Thủ đô nên Thăng Long - Hà Nội thường xuyên tiếp nhận những thành phần dân cư mới từ các nơi khác đến lập nghiệp. Đó là những người vì các nhiệm vụ khác nhau của Nhà nước mà đến Thủ đô. Đó là thợ thuyền bách nghệ được thu hút về Thủ đô, nơi có điều kiện hành nghề thuận lợi. Trong số đó, nhiều người đã định cư ở Thủ đô.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh cho hay: Tất nhiên, không phải tất cả những người vĩnh viễn gia nhập vào cư dân Thủ đô ấy đều là tinh hoa của bốn phương. Nhưng để có thể vững chân ở Thủ đô, họ đã phải nỗ lực nhiều và không ít người đã tạo dựng được sự nghiệp lớn cho mình.

Lại có thể nói rằng ngày trước, rất nhiều nhân tài thường đạt thành tựu lớn hơn cả khi họ hoạt động ở Thăng Long - Hà Nội, vì ở Thủ đô, họ có điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi hơn các nơi khác. Và vì ở Thủ đô, những thành tựu về mọi mặt dễ có điều kiện vươn lên tầm cỡ toàn quốc, toàn dân tộc.

Thăng Long - Hà Nội, một mặt là nơi tiếp thu, chắt lọc, lưu giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của các vùng khác nhưng một mặt khác lại ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa của toàn khu vực.

Xây dựng văn hoá người Hà Nội từ "lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp"

Từ việc nhận diện “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”, các nhà khoa học đã nhấn mạnh về định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Hà Nội hiện nay với tính chất đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong cơ chế thị trường đã và sẽ dẫn đến sự di cư lao động, sự phân hóa - phân tầng xã hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa các tầng lớp dân cư cũng như giữa các địa bàn đô thị (trung tâm, vệ tinh, thành thị, nông thôn), nhất là về mức sống, chất lượng sống, lối sống.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ phát biểu tại Hội thảo.

Điều này đòi hỏi Hà Nội không chỉ phải phát huy các giá trị truyền thống mà còn xây dựng các giá trị mới phù hợp với cơ cấu có tính chất mở về dân cư, kinh tế, văn hoá xã hội, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Vấn đề này yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, chuyển thành niềm tin hành động hàng ngày.

Từ thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ gợi ý một số vấn đề để phát triển văn hoá Thủ đô như: Tiếp tục việc xây dựng hoàn thiện, ban hành và triển khai đồng bộ, kiên trì trên toàn TP những quy định, quy ước, quy chế cụ thể liên quan đến văn hiến, văn minh, hiện đại. Nêu cao vai trò gương mẫu về văn hoá của cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, tiếp tục cụ thể hoá các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình và mọi tầng lớp Nhân dân. Xây dựng văn hoá người Hà Nội từ "lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp".

Giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hoá góp phần giáo dục truyền thống và thu hút khách du lịch. Đầu tư nhiều hơn cho việc tôn tạo, phân cấp quản lý hệ thống các di tích ở Thủ đô.

Đặc biệt, cần đổi mới cơ chế và đầu tư toàn diện cho văn hoá về lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý, công tác cán bộ và ngân sách... qua đó giúp cho mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tạo bước chuyển biến rõ rệt.

 

Cũng trong phiên tham luận sáng 21/3 các nhà khoa học đã chia sẻ các tham luận tập trung vào chủ đề “Văn hoá Thăng Long – Hà Nội: Thủ đô Văn hiến – Văn Minh - Hiện đại” như: Bản sắc Hà Nội với dấu ấn văn hoá – văn minh Pháp của GS.TS Hồ Sĩ Quý – nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội; Vị trí địa lý và tài nguyên vị thế của Thủ đô Hà Nội của GS.TS Đỗ Thị Minh Đức.