Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hoá -cầu nối, nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2022), hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc phát triển nhanh chóng và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Sự tương đồng văn hóa cũng chính là cầu nối quan trọng giữa hai quốc gia.

Gắn kết bền chặt

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc không ngừng được củng cố, nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện (năm 2022). Hợp tác văn hoá, thể thao và du lịch giữa hai nước cũng vì vậy cũng được nhiều bước phát triển đáng ghi nhận.

Phòng Hàn Quốc khai trương tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: An Nhiên.
Phòng Hàn Quốc khai trương tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: An Nhiên.

Hàng năm, Việt Nam tổ chức thành công nhiều hoạt động tại xử sở kim chi với sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc như Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, các chương trình nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc truyền thống kết hợp đương đại và biểu diễn áo dài Việt Nam tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động văn hóa quốc tế do Hàn Quốc tổ chức như LHP Busan, các liên hoan nghệ thuật quốc tế, triển lãm quốc tế tại Hàn Quốc; Phối hợp, hỗ trợ Hàn Quốc triển khai nhiều hoạt động giao lưu văn hóa tại Việt Nam như: Ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, các tuần phim, triển lãm Hàn Quốc tại Việt Nam.

Năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc rất nhiều sự kiện đã diễn ra như: Tháng 4/2022, tổ chức thành công chương trình “Ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An năm 2022”; Tháng 9/2022, Bộ VHTT&DL phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ hội Đèn lồng Việt - Hàn tại Hà Nội; Tháng 10/2022, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Âm nhạc Hàn Quốc tham gia Liên hoan Âm nhạc quốc tế lần thứ 39; Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa châu Á ra mắt vở “Bến không chồng” và biểu diễn phục vụ kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.

Về lĩnh vực thể thao, Việt Nam - Hàn Quốc đã có nhiều phối hợp trong liên kết, đào tạo các môn taekwondo, bắn cung, bóng đá, xe đạp... Nhiều chuyên gia Hàn Quốc đã và đang làm việc tại Việt Nam, đóng góp tích cực cho nền thể thao Việt Nam. Tiêu biểu như HLV Park Hang-seo không chỉ mang đến những thành công cho nền bóng đá Việt Nam, dấu ấn cá nhân của ông đã góp phần làm cho quan hệ hai nước thêm sinh động, thúc đẩy giao lưu Nhân dân bền chặt giữa hai nước.

Theo bà Lê Phương Hòa - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Giai đoạn từ 1992 của thế kỷ XX đến nay đã chứng kiến hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam-Hàn Quốc sôi nổi chưa từng có. Những trao đổi văn hóa này diễn ra trong bối cảnh thuận lợi của việc ký kết hợp tác chính thức giữa hai Nhà nước, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi làn sóng Hallyu lan tỏa ở mức độ toàn cầu. Sự hiện diện ngày càng tăng của cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc và cộng đồng Hàn Quốc ở Việt Nam cũng giúp hai bên thấu hiểu nhau hơn, cùng chia sẻ giá trị chung và giá trị văn hóa riêng của mỗi bên.

Đẩy mạnh hợp tác, phát triển công nghiệp văn hoá

Những ngày qua, giới trẻ Việt xôn xao bàn luận trên các trang mạng xã hội về việc nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc BlackPink tổ chức sự kiện ở Hà Nội. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng của các thần tượng Hàn Quốc tại Việt Nam, nhưng đằng sau đó còn là sự ảnh hưởng của nền công nghiệp văn hóa từ xứ sở Kim Chi.

Chương trình nghệ thuật tại lễ hội ''Con đường văn hóa hữu nghị Việt - Hàn''.
Chương trình nghệ thuật tại lễ hội ''Con đường văn hóa hữu nghị Việt - Hàn''.

Sau gần 30 năm phát triển, Kpop đã có một vị thế đáng mơ ước. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa và Thể thao Hàn Quốc đầu năm 2023, các nghệ sĩ Kpop đã bán được hơn 80 triệu album trên toàn thế giới vào năm 2022 và số lượng người hâm mộ Hallyu (làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc) toàn cầu đã tăng lên 156,6 triệu tại 116 quốc gia vào tháng 12 năm 2021, tăng gấp 17 lần so với năm 2011 đã thể hiện quá rõ sức ảnh hưởng của Kpop.

Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hàn Quốc Park Bo Gyoon, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Việt Nam. Trao đổi về lĩnh vực công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay: Hàn Quốc đã rất thành công trong công nghiệp văn hoá, Việt Nam đang đi sau, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị Bộ VHTT&DL Hàn Quốc sẽ hỗ trợ, cử chuyên gia giúp Việt Nam phát triển, trong đó 2 lĩnh vực mà Việt Nam sẽ tập trung là điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn.

Cũng liên quan đến công nghiệp văn hoá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết người Việt, nhất là giới trẻ Việt rất say mê văn hóa Hàn Quốc, nhất là nhạc Hàn, Bộ trưởng đề xuất hai bên có thể triển khai kế hoạch xây dựng ban nhạc mang tên Việt – Hàn. Theo Bộ trưởng, Việt Nam có nhân lực nhưng chưa có cộng nghệ, chưa có cách làm, Hàn Quốc có kinh nghiệm làm trước có thể giúp hình thành một ban nhạc Việt – Hàn và ban nhạc này phải được xuất hiện trong các sự kiện để quảng bá văn hóa hai nước.

Từ góc độ nghiên cứu văn hoá, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, từ ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc, Việt Nam có thể học được nhiều kinh nghiệm để phát triển văn hoá. Cụ thể, có thể học cách tạo ra nội dung giải trí chất lượng và sáng tạo, đầu tư vào việc phát triển năng lực của các nghệ sĩ và nhóm nhạc, xây dựng hình ảnh và thương hiệu mạnh mẽ để thu hút sự quan tâm của khán giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Việt Nam chúng ta cũng cần đảm bảo bảo vệ và phát triển văn hoá dân tộc của mình trong quá trình học tập từ Hàn Quốc.