Trong bản Di chúc của Bác, ta thấy, đó là một văn bản có tính văn hóa chính trị sâu sắc và mẫu mực, bởi những vấn đề cốt lõi nhất của con người, của cách mạng được đề cập. Các vấn đề ấy được thể hiện trên cơ sở suy nghĩ nghiêm túc, chứa đựng nhiều tư tưởng phong phú, song về phương diện văn hóa chính trị có một số điểm nổi bật.Theo PGS.TS Hồ Trọng Hoài - nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Giá trị văn hóa chính trị thể hiện ngay trong phần đầu của Di chúc. Theo đó, Bác viết rằng, năm nay Người đã ngoài 70 tuổi, “mặc dù vậy, tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt, minh mẫn” song vẫn “để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”. Ở đây, giá trị văn hóa chính trị thể hiện ở chỗ, Bác viết Di chúc không chỉ là tâm thư của một con người để dặn dò con cháu trước khi rời xa thế gian mà còn vì để đồng bào cả nước, các đồng chí trong Đảng, bầu bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột. Và đặc biệt là, Người viết Di chúc lúc tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt, minh mẫn. Điều đó cho thấy, sự tâm huyết, trách nhiệm của Bác Hồ về những suy nghĩ của mình, về con người và sự nghiệp cách mạng. Có lẽ, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có đủ tầm vóc, bản lĩnh, đủ trí tuệ, nghị lực và tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ to lớn, cao cả đó”.Sau phần mở đầu, Di chúc đề cập các vấn đề trọng yếu liên quan đến con người đang tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và những vấn đề mà cách mạng cần giải quyết liên quan đến con người. Ngay trong vấn đề đầu tiên, “Trước hết nói về Đảng” cũng thấm đẫm tình cảm đồng chí, tình cảm giữa con người với con người và trách nhiệm của Đảng đối với con người. Bác đề nghị, Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu nhau. Như vậy, ngay trong hoạt động chính trị của Đảng, tình cảm giữa con người với nhau cũng trở thành hạt nhân trong nhân sinh quan chính trị của Bác.Tiếp theo vấn đề về Đảng, Bác đề cập đến các vấn đề về thanh niên, nông dân, phụ nữ, các cháu thiếu niên và nhi đồng… Trong tư tưởng chính trị của Người, kế sách để bảo vệ và phát triển đất nước đều được đề cập trên cơ sở những hạt nhân của chủ nghĩa nhân đạo - vì con người.Trong bản thảo bổ sung Di chúc được viết vào tháng 5/1968, Người đề nghị, sau khi chiến tranh kết thúc, ngoài việc phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh là công việc chỉnh đốn Đảng “nhằm làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân”.Khía cạnh cần đặc biệt quan tâm ở đây là, mặc dù Bác Hồ đề cập đến vấn đề của đảng chính trị, nhưng nội dung văn hóa là cốt lõi. Nội dung đó, sinh thời là sợi chỉ đỏ xuyên qua các tư tưởng chính trị của Người, biểu hiện thông qua việc lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tự nguyện trở thành người cộng sản, qua những phẩm chất chính trị, đạo đức mà người theo đuổi và giáo dục cán bộ cách mạng phấn đấu noi theo.Có thể nói, Di chúc là bức tâm thư của một nhà văn hóa chính trị lỗi lạc mà ngôn từ và tư tưởng của nó đã vượt khỏi khuôn khổ của một tư duy chính trị thuần túy, đạt đến tầm phổ quát của chủ nghĩa nhân đạo hiện đại. Đó là sự tích hợp, sự vượt gộp các giá trị văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống vốn được nuôi dưỡng bởi tư tưởng trọng dân, thân dân và các giá trị nhân đạo của nhân loại.