Văn hóa cộng đồng đứt gãy

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù cũ hay mới, chung cư hay khu tập thể thì cuộc sống ở những nơi này cũng đều rộn ràng sắc màu văn hóa cộng đồng, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Về mặt tích cực đã được đề cập nhiều trong các bài trước, nhưng hình ảnh có thể dễ thấy nhất trong văn hóa cộng đồng ở tập thể là chiếc bảng đen, viết thông tin mỗi ngày - bất cứ thông tin nào của cộng đồng cũng được viết lên đó, vừa nhắc nhở, vừa cảnh báo, hướng về sự thay đổi tốt nhất cho khu nhà.
Hiện nay, tại một khu tập thể số lượng cư dân tăng lên vì có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Ảnh: Quang Hùng - Hữu Nghị
“Mỗi tòa là một tổ dân phố, vẫn giữ thói quen viết lên bảng tin về những việc chung. Có chuyện nhà nọ bị lừa mua bình ga giả, viết tất tần tật lên bảng để kể lại câu chuyện đen đủi của nhà mình, không quên kèm cả số điện thoại công an. Ai chưa đóng tiền vệ sinh, nhà nào quên không khóa cửa kéo chung của toàn khu… tất cả đều được nhắc nhở bằng phấn trắng bảng đen” - bà Nguyễn Thị Liên - tổ trưởng Tổ dân cư 21 Tập thể Kim Liên chia sẻ.

Thế nhưng, nửa tối của bức tranh khu tập thể xuất hiện nhiều hơn từ khi có sự pha tạp trong lối sống của những cư dân mới. Điển hình nhất là trong sinh hoạt, trước đây, có người buôn bán ở xa, con cái toàn được hàng xóm đưa đón đi học hộ. Vì thế, trẻ con trong khu tập thể, coi hàng xóm, láng giềng như cô, bác trong gia đình. Nhưng nay, với sự xuất hiện của cư dân mới, ảnh hưởng bởi cuộc sống xô bồ, gồng công việc căng thẳng kéo dài, khiến hoạt động của mọi người đều nhanh gọn, ít có thời gian quan tâm, hỏi han hàng xóm. “Nhà tôi ở trên tầng 3. Thông thường, khoảng 8 giờ chiều lại mang nước đi tưới cây ở quanh nhà. Mỗi lần tưới đều nhìn xuống dưới xem có quần áo ai đang phơi không. Nhưng nhà mới ở tầng dưới về, làm mái che đua ra ngoài. Khi tưới cây, nước có nhỏ xuống gây ra tiếng kêu. Nhà dưới có một chị phụ nữ khoảng 35 - 40 tuổi lên trên nói lớn là ồn ào, không để con họ học. Tôi có chia sẻ mong chị ấy thông cảm vì không biết có người mới chuyển đến, làm theo thời gian cũ trước đây. Thế nhưng, chị ấy vẫn không hài lòng. Trước đây điều này không xảy ra, vì chủ nhà dưới thông cảm và chúng tôi đều biết nhau từ trước” - ông Bùi Văn Ngọc (tập thể Kim Liên) cho hay.

Cư dân mới là người ở các tỉnh về nhà tập thể ở cũng phát sinh nhiều sự va chạm trong lối sống. Theo ý kiến của nhiều cư dân đó là tình trạng hóa vàng mã và đốt bếp than. Vào rằm, mùng một, vàng mã được mang ra ngay dưới bốt điện (vị trí gần với cửa thông gió) để đốt. Khói bay mù mịt, nhà có trẻ nhỏ ra góp ý những vẫn bị mắng bởi: “Đây là không gian chung, ai muốn làm gì thì làm”.

Rõ ràng, sống trong tập thể cũ quan trọng là sự cảm thông, nhường nhịn. Sự tự do cá nhân nằm trong giới hạn tự do của người khác. Dẫu trong một cuộc sống hối hả, tất bật, đèn ai nhà ấy rạng nhưng có lẽ câu thành ngữ xưa: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” có lẽ vẫn chưa hề cũ.