Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa công sở: Không chỉ thực hiện nghiêm ở nơi làm việc mà còn ở nơi sinh sống

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/11, tại Hà Nội, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Văn hóa công sở: Thực trạng và giải pháp”. Tọa đàm nêu ra thực trạng cũng như những giải pháp thực hiện và nâng cao văn hóa công sở của cán bộ, công chức hiện nay.

Quang cảnh tọa đàm
Tham gia giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của bạn đọc, có ông Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội Vụ; ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở; TS. Trần Doãn Tiến - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị Ban Tuyên giáo… cùng các nhà chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan báo chí.
Các đại biểu đều thống nhất, văn hóa công sở được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau, gồm hệ thống các giá trị tinh thần và vật chất (gồm văn hóa giao tiếp, ứng xử, tinh thần, thái độ làm việc, trang phục, lễ phục, xây dựng môi trường công sở...).
Văn hóa công sở có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống, gắn liền với hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của cơ quan/đơn vị, góp phần hình thành và xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức…
Thực hiện quyết định 129/2007/QĐ-TTg về văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước và quyết định 1847/QĐ- TTg ngày 27/12/2018 về đề án văn hóa công vụ đã cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các bộ công chức, viên chức về văn hóa công sở, bước đầu hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một bộ phận cán bộ công chức có nhận chưa đúng về  văn hóa công sở, có những biểu hiện lệch chuẩn trong ứng xử làm ảnh hưởng đến hình ảnh “công bộc” của dân.
Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề mà độc giả quan tâm: Nội dung các Quyết định của Thủ tướng chính phủ về Văn hóa công sở; Thực trạng của văn hóa công sở hiện nay; Những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa công sở; Giải pháp khắc phục những bất cập và nâng cao văn hóa công sở ở mỗi cơ quan, đơn vị…
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam cho rằng, văn hóa công sở không chỉ yêu cầu cán bộ công chức người lao động thực hiện nghiêm túc ở nơi làm việc mà phải cả nơi sinh sống, nơi công cộng. Nhất là tại nơi làm việc, phải giải quyết công việc theo quy định quy trình, thái độ niềm nở, không sách nhiễu gợi ý đưa tiền, không giải quyết công việc ngoài cơ quan, không gây bức xúc cho người dân.
Nội dung buổi giao lưu không chỉ giúp độc giả thấy được thực trạng văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị hiện nay mà còn giúp độc giả thấy được sự cần thiết phải nâng cao văn hóa công sở cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cuộc sống cũng như trong thực thi nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.
Đây là một trong những nội dung quan trọng thực hiện Nghị quyết lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nên văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 9/6/2014 Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.