Văn hóa khơi nguồn sáng tạo

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi trở thành thành viên mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội cam kết đặt sáng tạo văn hóa và phát triển nguồn lực văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển bền vững.

Từ đây, các ý tưởng tiếp lửa đam mê, lan tỏa thông điệp khơi nguồn sáng tạo liên tục được triển khai, đã và đang tạo ra nền tảng kết nối nhịp đập sáng tạo.

Hệ sinh thái sáng tạo lớn mạnh

Tháng 10/2019, Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị ghi danh, Hà Nội đã cam kết với UNESCO về xây dựng Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế bằng các chương trình, kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, hiện thực hóa các sáng kiến sáng tạo.

Cổng sáng tạo tại trung tâm Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - công trình mang tính biểu tượng của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 
Cổng sáng tạo tại trung tâm Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - công trình mang tính biểu tượng của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 

Cụ thể hoá các cam kết, tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Để thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cùng với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa, có nội dung đáng chú ý về việc Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “Hệ sinh thái sáng tạo”.

Việc xây dựng “Hệ sinh thái sáng tạo” đã được cụ thể hóa thông qua các dự án đổi mới sáng tạo, phát triển các không gian sáng tạo. Theo thống kê, Hà Nội hiện là nơi tập trung nhiều nhất các khu không gian sáng tạo trên cả nước với hơn 200 địa điểm. Không chỉ hình thành các không gian sáng tạo mới như: Liu lo Art, Six Space, CuCa, Hub Café, Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại Vicas Art Sudio, Vụn Art… Hà Nội còn có những không gian còn làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống như Ơ kìa Hà Nội, Tổ Chim Xanh, Zó Projet, Creative City, Heritage Space.

Từ các không gian này, cộng đồng sáng tạo Thủ đô cho ra đời nhiều hoạt động hưởng ứng, thu hút sự quan tâm, yêu thích của công chúng. Tiêu biểu như các hoạt động, sự kiện được tổ chức gần đây: Hoà nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống” tại không gian sáng tạo Complex 01; tọa đàm về thiết kế công cộng “Hanoi Design city - Hà Nội đẹp từng centimet”; cuộc thi Thiết kế nhanh 72h – Vẽ lại giấc mơ hiện đại của UNESCO.

Sự lớn mạnh về “hệ sinh thái sáng tạo” cho thấy, các không gian sáng tạo đã có cơ hội phát triển trong bối cảnh TP có những chuyển đổi về hướng tiếp cận và chính sách thúc đẩy sự phát triển của một Thành phố sáng tạo.

Bên cạnh việc thực hiện tầm nhìn dài hạn thông qua hình thành “hệ sinh thái sáng tạo”, Hà Nội đã phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, nhà trường gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường sáng tạo, hình thành thế hệ công dân sáng tạo - công dân toàn cầu.

Từ năm 2019, TP Hà Nội đã tổ chức cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình”. Từ đó đến nay, liên tiếp trong các năm, Hà Nội đã phối hợp với các cơ sở giáo dục, đặc biệt các trường đại học trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, nội thất, mỹ thuật, văn hoá tổ chức các cuộc thi Thiết kế nghệ thuật công cộng,Thiết kế ngôi nhà mơ ước…

Sáng tạo mang bản sắc Hà Nội

Hà Nội không chỉ nỗ lực xây dựng, hình thành hệ sinh thái sáng tạo mới mà còn củng cố các không gian sáng tạo nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế, hình thành nên mạng lưới không gian sáng tạo mang bản sắc Thủ đô.

Trước năm 2016, người Hà Nội chưa thể nghĩ sẽ có một không gian vui chơi, giải trí đậm sắc màu văn hóa vào mỗi ngày cuối tuần, đến khi không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm xuất hiện. Ngay khi đưa vào vận hành, người dân và du khách đều nhiệt tình ủng hộ, vì địa điểm này chính là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa đặc sắc Hà Nội.

Cùng với đó, trong những năm qua, phố bích họa Phùng Hưng đã làm sống lại đoạn phố gầm cầu vốn bị bỏ quên trong sự nhếch nhác nhiều năm qua. Các nghệ sĩ đã thổi hồn vào nó để biến nơi này trở thành một khu phố nghệ thuật công cộng, một điểm nhấn văn hóa thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách. Gần đây nhất là dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã biến toàn bộ khu vực bờ bãi chạy dọc sông Hồng vốn rất ô nhiễm trước đó thành khu vực sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời chạy dọc hơn 500m ven sông.

Với mong muốn tiếp tục phát huy văn hoá sáng tạo, thời gian tới, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ được điều chỉnh phù hợp để kết nối không gian đi bộ với các địa danh văn hóa như: Phố bích họa Phùng Hưng, khu phố cổ - phố cũ, phố ẩm thực, các di tích văn hóa - lịch sử. Đồng thời tích hợp thiết kế sáng tạo, thủ công và nghệ thuật, đưa không gian này trở thành điểm đến của nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn, tổ chức các hoạt động sáng tạo chất lượng. Ý tưởng này có thể thấy thông qua Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 diễn ra vào tháng 11 vừa qua.

Không chỉ riêng TP Hà Nội hay các sở, ngành, thời gian qua, từng quận, huyện, thị xã, từng phường, xã, thị trấn cũng đã có kế hoạch, triển khai phát triển văn hóa sáng tạo. Trong đó tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số điểm nhấn về di sản, làng nghề, tạo sức bật mới về văn hóa du lịch và thu nhập của người dân.

Có thể thấy điều này qua không gian Vụn Art được hình thành từ cái nôi làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, chuyên làm tranh ghép vải, sản phẩm thời trang, quà tặng ghép vải... Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường cho biết, sản phẩm của Vụn Art hoàn toàn làm bằng thủ công và mang đậm văn hóa dân gian Việt Nam. Việc tái sử dụng nguyên liệu thừa từ làng nghề có ý nghĩa không nhỏ trong bảo vệ môi trường. Hơn nữa, mọi người đến tham quan còn được trải nghiệm làm tranh ghép vải và được mang về các sản phẩm do chính mình làm ra.

Mặt khác, để phát huy văn hoá sáng tạo mang đậm bản sắc Thủ đô, Hà Nội cũng đã tranh thủ mọi nguồn lực văn hoá cả về tài chính và kiến thức khoa học, công nghệ. Có thể thấy rõ điều này qua các dự án phục dựng điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long), đền thờ Ngô Quyền (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội); ứng dụng công nghệ số tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; đổi mới các hoạt động văn hoá, nghệ thuật tại các không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây…

Là trung tâm kinh tế, chính trị, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, Hà Nội luôn thể hiện khả năng sáng tạo nổi bật trong suốt tiến trình lịch sử. Để hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội với UNESCO, thời gian tới, TP cần có thêm nhiều giải pháp ưu tiên hơn nữa, cơ chế, chính sách mới, phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia mở rộng các không gian sáng tạo, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

 

Chỉ có khai thác giá trị truyền thống, đặt trong thời đại mới, chúng ta sẽ có một nền tảng vững chắc để xây dựng Thành phố sáng tạo theo đúng yêu cầu của UNESCO nhưng vẫn giữ được bản sắc của đô thị sáng tạo Thăng Long - Hà Nội trong suốt nghìn năm qua.
Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS.TS.NGND
Nguyễn Quang Ngọc