Văn hóa Phật giáo Việt Nam trong “Ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản”
Kinhtedothi – Nằm trong chuỗi các sự kiện của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa bế mạc vào sáng 8/5, có triển lãm văn hóa Phật giáo Việt Nam với các chủ đề: “Ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản”.
Pháp phục Phật giáo Việt Nam
Pháp phục còn gọi là đạo phục, sắc phục, y phục (y áo của tăng ni và phật tử). Trải qua không gian, thời gian cùng với những biến thiên lịch sử, pháp phục có nhiều thay đổi. Khi đến với mỗi quốc gia, dân tộc, với tinh thần “tùy duyên bất biến, nhập thế độ sinh” của Phật giáo, pháp phục cũng luôn được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với phong tục tập quán, thời tiết, khí hậu, môi trường. Pháp phục của tăng ni, phật tử Việt Nam hiện nay khá phong phú, đa dạng theo từng hệ phái, vùng, miền về cả kiểu dáng, chất liệu, màu sắc.

Mẫu pháp phục Phật giáo Việt Nam.

Mẫu pháp phục của các phái Phật giáo.

Mẫu pháp phục chư ni Phật giáo Việt Nam.
Sau 10 năm nghiên cứu thực hiện, bộ pháp phục Phật giáo Việt Nam sử dụng trong nghi lễ quốc gia, quốc tế thể hiện sự trang nghiêm, tính thiêng liêng của Phật giáo, góp phần xây dựng đặc trưng, bản sắc văn hóa Việt Nam, đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt, ứng dụng vào thực tiễn để tăng ni, phật tử, công chúng trong và ngoài nước nhận biết.
Đại biểu dự Đại lễ Vesak 2025 bên phiên bản Tháp thời Lý tại chùa Phật Tích.
Nổi bật tại triển lãm là phiên bản Tháp thời Lý tại chùa Phật Tích. Tháp được vua Lý Thánh Tông (vua thứ ba của nhà Lý) xây dựng năm 1057-1066 tại chùa Vạn Phúc núi Tiên Du (nay là chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), trong lòng tháp đặt pho tượng mình vàng cao 6 thước.
Phiên bản Tháp thời Lý có bình đồ hình vuông, gồm 13 tầng, kết cấu lõi gạch ốp đá trang trí. Đế tháp mang hình dáng núi Tu Di, bốn phía có bát bộ kim cương trấn giữ, bảo hộ Phật pháp. Quanh tháp hội tụ các chim thần Ca lăng tần già (loài chim quý, chủ yếu xuất hiện ở Ấn Độ) và những điêu khắc rồng, hoa dây.
Nhiều tượng Phật quý hiếm
Đại biểu dự Đại lễ Vesak 2025, còn được xem nhiều bộ tượng, tượng Phật quý hiếm của các ngôi chùa cổ. Đơn cử, tượng Phật Pháp Vân tại chùa Dâu, chất liệu bằng gỗ sơn thếp, được thờ tại chùa Dâu (tức chùa Diên Ứng), thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh – nơi được xem là trung tâm của hệ thống tín ngưỡng Tứ Pháp ở vùng Dâu.

Tượng Phật Pháp Vân tại chùa Dâu.
Tượng Pháp Vân thuộc loại tượng tròn, tạo hình trong tư thế ngồi thiền trên tòa sen, đầu kết xoắn ốc, cổ cao ba ngấn, y phục tối giản với xà rông quấn quanh thân, gợi dáng vẻ gần gũi và mang đậm nét nữ tính. Tay phải của tượng giơ ngang ngực, tay trái đặt ngửa trên đùi, khuôn mặt hiền hậu và thần thái từ bi, biểu hiện nhân tướng theo phong cách Ấn Độ nguyên thủy.

Đại biểu dự Đại lễ Vesak 2025 chiêm ngưỡng các tác phẩm tại triển lãm.
Niên đại tượng được xác định vào khoảng thế kỷ XVI dưới thời Lê, cùng với ba pho tượng còn lại trong hệ thống Tứ Pháp (4 vị thần: mây, mưa, sấm, chớp). Bộ tượng Tứ Pháp nói chung và tượng Pháp Vân nói riêng là sự kết tinh của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt Nam, phản ánh ánh đặc sắc văn hóa Kinh Bắc. Hiện nay, chỉ tại vùng Dâu còn lưu giữ được trọn vẹn bốn pho tượng, thể hiện rõ giá trị lịch sử, mỹ thuật và tâm linh đặc biệt.

Tượng Phật nghìn tay nghìn mắt chùa Báo Ân.
Đối với tượng Phật nghìn tay nghìn mắt chùa Bút Tháp, được làm bằng gỗ, cao 235cm, gồm phần tượng và bệ. Tượng ngồi trong tư thế thiền định, có 11 mặt chính nhìn ra phía trước, 2 mặt phụ ở 2 bên, đầu đội mũ “thiên quan”. Đầu tượng tạo thành nhiều lớp, trên cùng là tượng A Di Đà ngồi trên tòa sen trong tư thế thiền định. Tượng có 42 cánh tay lớn để trần, các bàn tay trong tư thế ấn quyết và thiền định, các vòng cánh tay phụ tạo thành một vòng tròn lớn đặt rời bên phía sau tượng (gồm 789 cánh tay) trong mỗi bàn tay có 1 con mắt. Tượng Phật nghìn tay nghìn mắt chùa Bút Tháp được xem là một tác phẩm độc nhất vô nhị trong nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung của Việt Nam thế kỷ XVII.

Tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt chùa Mễ Sở (bên trái) và Phật nghìn tay nghìn mắt chùa Bút Tháp.
Còn tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt chùa Mễ Sở được làm bằng gỗ mít, phủ sơn, được tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc thủ công truyền thống. Tượng có chiều cao gồm cả phần bệ là 280cm, tính từ đài sen lên chỏm đầu tượng cao 140cm. Tượng có 1.014 tay, mắt khác nhau, trong đó có 42 tay lớn xếp thành từng đôi một đăng đối nhau. Đi kèm với mỗi cánh tay là một con mắt được tạo tác một cách tinh vi trong lòng bàn tay và được chia ra thành nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau. Điểm ấn tượng và độc đáo nhất của tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở là có thêm một đôi tay ở sau lưng tượng (gọi là tay Phổ Lễ).
Ngoài các pho tượng Phật quý nêu trên, đại biểu còn chiêm ngưỡng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được tạc bằng đá xanh, gồm 2 phần: bệ và thân tượng. Chiều cao tổng thể 83,8cm, đầu rộng 13,5cm, bệ rộng 59cm Hai phần này được tạo tác riêng biệt gắn nối với nhau bằng hệ thống mộng và lỗ mộng.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tượng được tạc ở tư thế thiền buông thư, kiểu ngồi bán kiết già, bàn chân trái đặt lên đùi phải, lòng bàn chân ngửa lên; thể hiện với gương mặt thanh tú, tai to, trán rộng, cổ cao nhiều ngấn; họa tiết hoa văn trên vạt áo gấu quần chi tiết và sắc nét. Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông biểu trưng mạnh mẽ cho sức sống của Phật giáo Trúc Lâm - Phật giáo Việt Nam, luôn đề cao tinh thần nhập thế với tư tưởng vui đạo giữa đời, hòa quang đồng trần.

Tượng Tuyết Sơn tại chùa Mía.
Ngoài ra, triển lãm còn có tượng Tuyết Sơn chùa Mía, ở Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Đây là tác phẩm điêu khắc Phật giáo đặc sắc, tái hiện giai đoạn tu khổ hạnh của Thái tử Tất Đạt Đa trên dãy Hy Mã Lạp Sơn trước khi giác ngộ thành Phật. Hình tượng Đức Phật được khắc họa trong tư thế ngồi bất đối xứng: một chân gấp ngang, một chân chống, thân hình gầy gò, hiện rõ các đường nét xương và cơ thể khắc khổ.

Bộ tượng Phật Tam Thế chùa Bút Tháp.
Trang phục chỉ là mảnh áo khoác hờ, làm lộ rõ sự tiều tụy của thể xác, thể hiện sâu sắc tinh thần dấn thân tu hành và ý chí vượt qua khổ đau của Đức Phật. Nhưng phần đầu tượng lại là một khối căng tròn, gương mặt tuy xương xẩu nhưng ánh lên nội lực mạnh mẽ, phản ánh sự chuyển hóa nội tâm từ khổ hạnh đến giác ngộ. Tượng Tuyết Sơn chùa Mía là biểu tượng của tinh thần kiên định và quá trình tìm kiếm chân lý, đồng thời là minh chứng cho trình độ tạo hình điêu luyện và tư tưởng Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam thế kỷ XVII.

Phiên bản bộ tượng Phật Tam Thế chùa Linh Ứng.
Tại triển lãm còn có phiên bản bộ tượng Phật Tam Thế chùa Linh Ứng, gồm ba pho tượng được tạo tác cơ bản giống nhau, cùng chất liệu đá xanh, đã ngả màu xám; toàn thân tượng trong khối nặng khoảng vài tấn. Tượng được bố cục thành 3 thành phần (tượng, đài sen, bệ). Kiểu dáng và những mô típ hoa văn trang trí trên ba pho tượng Tam Thế ở chùa Linh Ứng đã kế thừa những nét tinh túy của nghệ thuật thời Trần, thời Lê sơ và thời Mạc.

Nhiều nguyên thủ quốc gia dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại TP Hồ Chí Minh
Kinhtedothi - Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 (Đại lễ Vesak 2025) tại TP Hồ Chí Minh, với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” đã khai mạc sáng 6/5.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại TP Hồ Chí Minh thành công tốt đẹp
Kinhtedothi - Việc đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 (Đại lễ Vesak 2025) tại TP Hồ Chí Minh là dấu ấn rõ nét, cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế.