Vào bệnh viện “ngủ cho mát”
Bác sĩ Vương Trung Kiên - Giám đốc BV Đa khoa Thạch Thất (huyện Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, trước đây anh công tác tại BV Đa khoa Xanh Pôn, sau đó chuyển về BV Thạch Thất. Dù cùng ở Hà Nội, nhưng chứng kiến có sự khác nhau giữa văn hóa thăm người bệnh của người dân ở nội - ngoại thành có sự khác nhau. Ở BV thành phố, thăm hỏi có phần chóng vánh, lịch sự, người thăm ăn nói nhỏ nhẹ hơn, có ý thức giữ gìn trật tự trong buồng bệnh.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đến thăm bệnh nhân gây ồn ào trong phòng, ăn uống, vứt rác bừa bãi khiến nhân viên y tế phải nhắc nhở. Còn ở BV ngoại thành, hễ một người nằm viện là cả họ hàng, cả thôn xóm kéo đến thăm hỏi. Gia đình đoàn kết, sẻ chia, tình làng nghĩa xóm những lúc có người thân lâm bệnh là điều vô cùng đáng trân quí, nhưng việc thăm bệnh nhân có nhiều điều đáng bàn, người dân cần thay đổi ý thức.
|
Người nhà đến thăm bệnh nhân tại BV Đa khoa Thạch Thất (huyện Thạch Thất, Hà Nội). |
Bác sĩ Kiên dẫn chứng, cả đợt nắng nóng vừa qua, khoa Nội của BV xảy ra tình trạng nhiều gia đình bệnh nhân cứ đến buổi tối là kéo cả nhà vào BV và ngủ lại “cho mát”, vì phòng bệnh có điều hòa. “Có những gia đình đi 4 - 5 người, có cả trẻ con, ngủ luôn ở BV cùng bệnh nhân.
Thậm chí, chuyện cả xóm kéo nhau 10 - 20 người đến thăm người bệnh là chuyện thường xuyên. Buồng bệnh quá đông người, họ kéo ra hàng lang ngồi, ăn uống, cười nói ồn ào, nhiều hôm ăn uống xong rác rưởi vứt bừa bãi ra cả hành lang và nhà vệ sinh”.
Có người nhà vợ phẫu thuật ở khoa Ngoại, sau 3 - 4 ngày bệnh tình đã ổn, tiến triển tốt, người chồng nửa đêm uống rượu xong vào BV chửi bác sĩ vì “vợ tao nằm viện mãi chưa được về nhà” và nằng nặc đòi chuyển tuyến. Nhiều vụ việc quấy rối trật tự BV, đe dọa đến an toàn của người bệnh và nhân viên y tế khiến lãnh đạo BV phải báo công an đến giải quyết.
Mới đây nhất, BV một phen hú vía vì tưởng có người nhà chết trong nhà vệ sinh. Nguyên nhân là người nhà bệnh nhân uống rượu say, vào nhà vệ sinh chốt kín cửa ngủ lúc 3 giờ sáng, bảo vệ đập cửa mãi không được, bèn phá khóa ra thì bị người này quát vì “phá giấc ngủ của ông”.
|
Trẻ con cũng được cho đi theo thăm bệnh nhân trong bệnh viện |
Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí - nguyên Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết, ông đã từng chứng kiến nhiều chuyện bi hài trong BV việc người nhà thăm bệnh nhân. “Có bệnh nhân chỉ vài này nữa là được ra viện, người nhà mang rượu, thịt chó vào ăn mừng. Bệnh nhân ăn nhiều thịt chó và uống rượu dẫn đến tử vong. Đây là câu chuyện rất đau lòng” - GS.TS Nguyễn Anh Trí nói. Ông cũng kể nhiều câu chuyện người nhà bệnh nhân không tuân thủ qui định của BV, đi thăm người bệnh vẫn hút thuốc lá nhả khói khắp phòng, ăn uống xong vứt rác bữa bãi. Nhiều người nhà còn đánh bài trong phòng bệnh rất ầm ĩ, mang rượu vào BV uống, cười nói như chỗ không người, gây mất vệ sinh, mất an toàn cho môi trường BV.
Đừng biến bệnh viện thành cái chợ
Ở các BV, không chỉ xảy ra tình trạng người nhà rồng rắn kéo nhau đi thăm bệnh, gây mất trật tự trong BV, ảnh hưởng đến môi trường chung, mà đã từng xảy ra quá nhiều vụ người nhà đến thăm bệnh, hành hung y bác sĩ ở BV. Một bác sĩ tuyến T.Ư tại Hà Nội bày tỏ: “Khó có thể thống kê hết, nhưng gần như ngày nào cũng có xung đột, căng thẳng giữa người nhà bệnh nhân với y bác sĩ. Căng thẳng có thể xảy ra ở những mức độ khác nhau, đôi khi chỉ là những trách móc song cũng có những người la mắng, chửi thề, đe dọa, sẵn sàng tấn công chúng tôi”.
Đề cập đến câu chuyện này, bác sĩ Vương Trung Kiên cho biết, ở BV Đa khoa Thạch Thất, chuyện bệnh nhân nằm viện, cả họ đến thăm rồi gây sức ép BV phải thực hiện “y lệnh” của họ rằng “phải mổ cho bệnh nhân” hoặc “phải cho chuyển tuyến ngay”… xảy ra thường xuyên. Đây là một hành vi khó chấp nhận trong môi trường BV.
|
Bệnh viện Nhi T.Ư mỗi ngày đón hàng nghìn lượt người ra vào, mỗi trẻ đến khám thường xuyên có 2 - 3 người lớn đi cùng, chưa kể số người đến thăm bệnh nhân cũng luôn nhộn nhịp |
Còn tại BV Bạch Mai, theo bác sĩ Ngô Văn Hùng, khoa Cấp cứu của BV, các y bác sĩ luôn trong tình trạng quá tải, phải căng mình nỗ lực cấp cứu cho người bệnh, ưu tiên người bệnh nặng trước. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân đa phần không hiểu, bất kể bệnh nặng hay nhẹ khi vào viện họ chỉ muốn người nhà mình được làm nhanh nhất, tốt nhất. Bệnh nhân đang cấp cứu mà người nhà kéo đến từng tốp gây sức ép với bác sĩ. Nhiều người uống bia, rượu lớn tiếng quát nạt, thậm chí hành hung bác sĩ khi họ không hài lòng điều gì đó.
Có thể nói, cùng với việc thăm bệnh thiếu văn hóa, thì việc người thân bệnh nhân hành hung nhân viên y tế đang là thực trạng đáng báo động về sự mất an toàn trong chính môi trường cần sự an toàn.
Bác sĩ Hoàng Anh Tuấn - một người Việt ở Đức cho rằng: “Tôi đi nhiều nước trên thế giới, không thấy đâu như BV ở Việt Nam. Nếu đổ lỗi quá tải BV thì nhiều nơi còn quá tải hơn, nhưng họ quá tải trong trật tự. Nhìn cảnh bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nằm la liệt ở buồng bệnh, mỗi giường 5-6 người cả người bệnh, người nhà.
Ngoài hành lang, ghế đá đâu đâu cũng nhếch nhác, đông đúc, mỗi bệnh nhân có 3 - 4 người đi theo phục vụ. Đã đến lúc người dân phải thay đổi văn hóa và cách ứng xử của mình với người bệnh, với nhân viên y tế cũng như cần hành động văn minh hơn trong môi trường BV. Đừng biến môi trường BV thành cái chợ”.
Phải hạn chế người thăm bệnh "Trước đây, với sự lây nhiễm phức tạp tại ổ dịch ở BV Bạch Mai, Sở Y tế Hà Nội ra ra công văn yêu cầu các BV trong và ngoài công lập trên địa bàn tăng cường công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, chỉ cho một người vào chăm sóc (nếu cần) và phải được kiểm tra y tế trước khi vào chăm sóc bệnh nhân, không cho người vào thăm hỏi bệnh nhân. Đây là một quyết định hết sức cần thiết, kịp thời. Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng yêu cầu hạn chế người nhà đến thăm bệnh. Tình hình dịch bệnh trên toàn cầu ngày càng phức tạp, khó lường, không chỉ trong vụ dịch lần này, mà ngành y tế nên có qui định hạn chế chế người đến thăm. Bản thân mỗi người dân cũng cần ý thức việc này, phòng tránh bệnh cho mình cũng là phòng tránh bệnh cho cộng đồng. Hiện nay, khâu kiểm soát nhiễm khuẩn tại các BV chưa tốt, ý thức người dân chưa cao, cũng chẳng có chế tài xử phạt nếu người bệnh, người nhà bệnh nhân vi phạm nội qui BV. Vậy nên, tăng cường truyền thông để người dân dần ý thức, thay đổi quan niệm, thay đổi văn hóa thăm bệnh là việc làm hết sức cần thiết. Còn phía BV, đã đến lúc siết chặt qui chế về ra vào BV, ổ dịch tại BV Đà Nẵng vừa qua là bài học đau lòng cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc" - TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng |
(còn nữa)