Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Văn hóa thăm bệnh -Từ nét đẹp thành nỗi lo] Bài 5: Làm gì để môi trường bệnh viện văn minh, an toàn?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Kinh tế&Đô thị đăng loạt bài “Văn hóa thăm bệnh - Từ nét đẹp thành nỗi lo”, nhiều người dân, chuyên gia, đại diện bệnh viện (BV) cũng như lãnh đaọ Bộ Y tế đều cho rằng, đã đến lúc BV phải thay đổi cách quản lý như hiện nay. Bên cạnh đó, người dân cũng thay đổi văn hóa thăm bệnh của mình theo hướng tích cực để môi trường BV thực sự văn minh, sạch sẽ, an toàn.

Kỳ vọng về một tương lai xa
Tâm dịch tại Đà Nẵng lần này xuất phát từ BV. Không ai biết ai lây cho ai, người ngoài mang virus vào viện hay virus từ trong viện ra? Nhìn lại, các BV ở Việt Nam hiện nay từ T.Ư đến địa phương, quá dễ dãi trong việc quản lý người ra vào BV, kể cả trong mùa dịch này. Hãy nhìn lại toàn cảnh các BV trong đợt dịch thứ nhất, hầu hết đều rất khắt khe với mọi đối tượng ra vào BV, kể cả người đến thăm bệnh. Những ngày ấy có lẽ mức độ cảnh giác được dâng lên tới tối đa, vì thế nên chúng ta đã hạn chế được các ca lây nhiễm cộng đồng. 
 Anh Giang Nguyễn - Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội
Không phải chỉ ở ta mà các nước khác cũng vậy. Vấn đề thăm người thân trong mùa dịch được hạn chế đến tối đa. Chẳng hạn, các BV lớn ở Mỹ đều siết chặt quản lý người bệnh. Đối với khu điều trị bệnh nhân Covid-19 thì không ai được phép vào đã đành, nhưng ngay cả các BV điều trị bệnh nhân thường, hầu như không cho người nhà hay bạn bè vào thăm để tránh lây lan virus. Nếu các bạn truy cập vào website của các BV lớn như Johnhopkins, Michigan, New York, Weil Cornell, hay Detroit, thì dòng chữ đầu tiên đập vào mắt sẽ là "visitation restricted" nghĩa là hạn chế vào thăm. Nói là hạn chế nhưng thực sự là cấm luôn. Chỉ có trường hợp rất đặc biệt mà người nhà nằm viện dài ngày và sự thăm nom là liệu pháp tâm lý trị bệnh thì họ sẽ để người nhà vào thăm.
Nếu ai đã sống và làm việc ở các nước phát triển sẽ thấy kể cả lúc không có dịch thì việc vào thăm thân trong BV được kiểm soát rất quy củ. Người nhà vào thăm phải có tên trong danh sách đăng ký hoặc nếu không thì phải có một người nhà khác xác nhận danh tính. Còn bạn bè thì phải đăng ký thủ tục bên ngoài quầy check-in mới được chỉ dẫn vào thăm, có mặc đồ bảo hộ nếu cần thiết. Vì thế, các BV lúc nào cũng yên tĩnh chứ không ồn ào như ở Việt Nam. Không có cảnh người nhà nhếch nhác, nằm la liệt ngoài hành lang hay ghế đá. Mọi dịch vụ đã có y tá và hộ lý lo liệu. Mọi chi phí do BHYT và gia đình đồng chi trả.
Tôi cho rằng chúng ta không chỉ cần đánh giá lại vấn đề thăm nom trong BV vào thời điểm dịch Covid-19 hiện nay, mà còn cho tương lai. Tôi không đem BV ở các quốc gia phát triển để so sánh với chúng ta nhưng tôi kỳ vọng, ngành y tế sẽ phải thay đổi, văn hóa thăm bệnh của người Việt cũng sẽ phải thay đổi để BV trở thành nơi đúng nghĩa chữa bệnh và an dưỡng của người bệnh. (Anh Giang Nguyễn - Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội)
Thay đổi về quan điểm và hành vi thăm người ốm
Việc qui định chặt chẽ người vào thăm bệnh nhân như kiểm soát giấy tờ tùy thân, phát thẻ ra vào BV, đăng ký giờ thăm có nhiều cái lợi, trước hết sẽ không xảy ra cảnh xô bồ thăm hỏi trong cơ sở y tế, giữ cho cơ sở khám chữa bệnh có sự yên tĩnh là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân.
 TS.BS Trương Hồng Sơn  - Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam - Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Thứ hai, những qui định nghiêm ngặt này sẽ hạn chế người ra vào và phòng tránh được lây nhiễm chéo trong BV, bởi người nhà đến thăm bệnh có thể mang virus bên ngoài vào hoặc phát tán virus từ BV ra cộng đồng.
Đặc biệt trong mùa Covid-19 này, việc lây nhiễm chéo vô cùng nguy hiểm, điển hình là các trường hợp lây nhiễm ở BV Bạch Mai và BV Đà Nẵng. Thứ ba, đặt ra những qui định nghiêm ngặt ra vào BV còn để đảm bảo an ninh, an toàn trong BV, những kẻ gây rối, trộm cắp, lừa đảo ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì các đơn vị chức năng cũng dễ dàng xác định và truy bắt được đối tượng xấu.
Văn hóa thăm bệnh của người Việt cũng cần có sự thay đổi. Hiện nay nếu có người ốm đau là người thân, bạn bè, đồng nghiệp đều muốn đến thăm ngay khi bệnh nhân còn nằm viện nhằm thể hiện sự quan tâm. Có khi cả một cơ quan dăm chục người kéo đến thăm bệnh nhân cùng lúc, mất trật tự vô cùng. Điều này cả bệnh nhân, người nhà và những người nằm chung buồng bệnh đều thấy phiền, nhưng ngậm ngùi “đành vậy”. Những việc thăm viếng như vậy đang tiềm ẩn các nguy cơ cho người bệnh đang nằm viện, các bệnh nhân cùng phòng, cùng khoa, và cả các nguy cơ cho chính những người đến thăm.
Ở Việt Nam đã trải qua nhiều đợt dịch, nhiều dịch bệnh lây nhau trong BV rồi lan ra cộng đồng. Vậy nên, mỗi chúng ta cần có ý thức hơn, giữ gìn an toàn cho mình và cồng đồng. Thay đổi văn hóa thăm bệnh cũng là góp phần vào đảm bảo an toàn cho người bệnh, cho BV và cộng đồng. (TS.BS Trương Hồng Sơn  - Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam - Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam)
Bài học từ Đà Nẵng
Có thể nói, dịch Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta suy xét, nhìn nhận lại nhiều thứ, trong đó có vấn đề thực hiện nội qui ra vào BV, thăm hỏi bệnh nhân.
 PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư
Việc lây nhiễm chéo tại các BV Đà Nẵng là một bài học để các BV siết chặt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV.
Không phải hiện nay, mà nhiễm khuẩn BV đã được báo động từ nhiều năm nay, đây đang là vấn đề đau đầu của ngành y.
Về phía BV, chắc chắn phải thay đổi. BV T.Ư Quân đội 108 là đơn vị rất đáng để các BV khác phải học hỏi trong qui định thăm bệnh. Theo đó, thời điểm này, mỗi bệnh nhân chỉ được 1 người nhà ở lại chăm sóc và phải làm thẻ chăm sóc, trước khi chăm phải khai báo y tế. BV không cho người nhà lên thăm để phòng tránh dịch.
Còn thời điểm không có dịch, qui trình thăm bệnh tại đơn vị này cũng vô cùng chặt chẽ nên không xảy ra tình trạng người ra kẻ vào nhộn nhạo trong BV như nhiều đơn vị y tế khác. Người thăm bệnh cũng phải đeo thẻ trong suốt thời gian thăm, nhân viên an ninh có thể đi kiểm tra bất cứ lúc nào.
Các BV khác cũng nên thay đổi theo hướng này, vừa đáp ứng được nhu cầu người bệnh cũng như công tác phòng chống nhiễm khuẩn và an ninh trật tự trong BV.
Còn người dân cũng nên thay đổi thói quen thăm bệnh của mình, khi người thân bị bệnh, cần tìm hiểu xem họ bệnh gì, bao lâu rồi, hiện trạng sức khỏe ra sao và giờ giấc được đến thăm thế nào để chủ động chuẩn bị, sao cho cuộc thăm hỏi thuận tiện nhất cho người bệnh và cả người nhà của họ. Thật chẳng nên đến thăm mà lại làm người bệnh, người nhà thấy bị quấy rầy, phiền nhiễu, gây bực mình hay khó xử cho cả hai bên. 
 Người nhà phải khai báo y tế ngay sảnh tầng 1 và làm thẻ, qua 3 lớp kiểm tra mới được vào buồng bệnh chăm bệnh nhân (Ảnh chụp tại BV T.Ư Quân đội 108 chiều 7/8. Ảnh: Nhật Nguyên)
Với người chăm bệnh nhân cũng phải biết giữ cho bệnh nhân được tĩnh dưỡng thoải mái nhất. Còn các cơ quan, đơn vị khi đi thăm nên cử đại diện một vài người, tránh tình trạng cùng lúc quá nhiều người thăm, không tốt cho người bệnh và môi trường BV. Thời gian thăm tốt nhất chỉ 5-10 phút, càng ít tiếp xúc càng hạn chế nguy cơ lây nhiễm cũng như để thời gian cho bệnh nhân nghỉ ngơi.
Siết qui chế thăm bệnh
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn cầu, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi nhiều thứ trong môi trường BV. Hiện nhiều BV trên cả nước không cho người nhà đến thăm bệnh, mỗi bệnh nhân chỉ được một người đến chăm bệnh.
 Ths. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Việc ra vào BV cũng được kiểm soát chặt chẽ, khai vào tờ khai các thông tin cá nhân và thông tin dịch tễ, đo nhiệt độ cơ thể... Không chỉ trong đợt dịch này, mà tới đây, các BV cũng cần thay đổi nhằm quản lý chặt chẽ hơn, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch và an ninh trật tự BV.
Việc phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 nói riêng và các dịch bệnh truyền nhiễm khác nói chung trong các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện (giữa người bệnh - người bệnh; người bệnh - thầy thuốc; thầy thuốc - cộng đồng). Trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều giải pháp để nâng cao công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh như ban hành nhiều chính sách, văn bản, hướng dẫn chuyên môn nhằm tăng cường năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn cho các cơ sở y tế trong toàn quốc. Vấn đề này cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Còn về phía người bệnh, người nhà bệnh nhân nói riêng và người dân nói chung, đã đến lúc phải thay đổi văn hóa thăm bệnh. Việc thay đổi này không dễ, chúng ta vừa phải có qui định chặt chẽ, nhưng vừa tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện, dần dần thay đổi ý thức của họ. Chúng tôi muốn thực hiện tốt công tác phòng dịch, phòng tránh lây nhiễm chéo, thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn một phần phụ thuộc vào ý thức của mỗi người bệnh, người nhà chăm bệnh, thăm bệnh. (Ths. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế)