Thị xã Sơn Tây tự hào là trung tâm của xứ Đoài. Có biết bao tác phẩm nghiên cứu, thơ ca viết về vùng đất văn vật này. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là cuốn Sơn Tây tỉnh địa chí nổi tiếng và nhiều ca dao, hò, vè về đất và người Sơn Tây.
Sau này là tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng: Mắt người Sơn Tây; tiếp theo là tác phẩm Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội chọn lựa những tác phẩm tiêu biểu nhất trong văn học Việt Nam từ thời cổ – trung – cận đại đến nay viết về Sơn Tây và của người Sơn Tây viết.
Những năm gần đây là hàng loạt tác phẩm thơ, văn của các nhà văn, nhà thơ người Sơn Tây, tiêu biểu như cuốn: Thơ về thị xã Sơn Tây của các nhà thơ xứ Đoài và nhiều tác phẩm thơ, văn xuất bản riêng của những nhà văn, nhà thơ Sơn Tây, viết về Sơn Tây cùng nhiều tác phẩm mỹ thuật, điện ảnh về Sơn Tây …
Những “đặc sản” văn hóa xứ Đoài càng được bồi đắp và phát huy từ sau khi thị xã Sơn Tây sáp nhập vào với Hà Nội. Trong 15 năm qua, nhiều câu lạc bộ nghệ thuật, thơ ca ở Sơn Tây đã được thành lập và hoạt động sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng tham gia lao động nghệ thuật, khai thác, truyền bá các giá trị văn hóa, văn nghệ cổ truyền, vừa đa dạng hóa các phương thức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
Cũng trong thời gian qua, ngành Văn hóa Thông tin thị xã đã xây dựng hơn 2.900 chương trình với hơn 46.000 tin, bài, 8 chuyên mục phát thanh/tuần, dựng 32 trang truyền hình ngoại thành phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội phục vụ công tác tuyên truyền chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học nghệ thuật của đất nước, Thủ đô, thị xã.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, thị xã Sơn Tây đã đạt được những kết quả nổi bật, toàn diện về văn học nghệ thuật, tạo được bước chuyển mới trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân thị xã trong việc xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Thị xã Sơn Tây là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Cụ thể, thị xã Sơn Tây hiện có hơn 400 di tích và các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, trong đó 80 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích, nhiều di tích cấp Quốc gia như đền Măng Sơn, đền Và, đình Đông sàng, làng cổ ở Đường Lâm… Thị xã Sơn Tây cũng có 99 đạo sắc phong đã được UBND TP công nhận là thư tịch quý, có 65 lễ hội truyền thống trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội đền Và…