Vẫn “khát” điểm vui chơi

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dạo quanh Hà Nội 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, hình ảnh người dân và du khách xếp hàng, chen chân mua vé vào cửa hay vạ vật trong các điểm du lịch khiến nhiều người ngán ngẩm vì bao năm nay, Thủ đô vẫn thiếu nơi vui chơi, giải trí.

Trong khi đó, các cửa ngõ của TP, tình trạng phương tiện ra vùng ngoại thành và đi các tỉnh bị ùn tắc nối hàng dài vào những ngày trước và sau nghỉ lễ đã trở thành hình ảnh quen thuộc cho thấy nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân là rất lớn và tăng mạnh qua từng năm nhưng nó vẫn đang cần những giải pháp hiệu quả. 
 Người dân chọn công viên nước Hồ Tây làm điểm đến vui chơi trong ngày nghỉ 30/4
Những ngày qua, hầu hết các điểm vui chơi của TP như công viên Hồ Tây, rạp xiếc, Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Thiên đường Bảo Sơn, công viên Cầu Giấy, Royal City, Times City… đều đông nghịt người. Dù giá vào cửa, phí tham gia trò chơi không hề rẻ, có khi đến cả vài trăm ngàn đồng/người nhưng nhiều người vẫn phải xếp hàng chờ tới lượt. Trời oi nóng, người lớn và trẻ nhỏ đều mồ hôi nhễ nhại, chen nhau tìm chỗ chơi. Lượng người quá đông khiến cuộc dạo chơi trở thành cuộc đua khi ai cũng phải gắng sức chen chân giữa dòng người nườm nượp. Các nhà hàng, chỗ che mưa nắng, ghế dừng chân không còn một chỗ trống. Không ít người mệt mỏi nằm ngủ vạ vật trên các bãi cỏ, nơi có bóng cây…

Nhiều năm qua, quy mô nhiều công viên, điểm vui chơi, giải trí ở Hà Nội vẫn bé nhỏ, cũ kỹ và lạc hậu, trong khi nhu cầu ngày càng lớn. Thiếu nơi vui chơi, giải trí nên mỗi dịp nghỉ lễ, ngày càng có nhiều gia đình Hà Nội lên kế hoạch về quê hoặc đi du lịch nơi khác. Các “thượng đế” ở những địa phương lân cận cũng vì thế mà tìm đến Ninh Bình, Hạ Long hay Sa Pa,… những nơi được đầu tư nhiều dịch vụ, tuyến điểm tham quan mới và quảng bá rầm rộ trên truyền hình.

Nhiều thế mạnh về phát triển du lịch nhưng cũng cần nhìn nhận việc thiếu những sự kiện quy mô lớn như: Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng, Festival Huế, Carnaval Hạ Long, bắn pháo hoa nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh… nên lượng khách đến với Hà Nội trong những dịp nghỉ lễ khá khiêm tốn. Cuối năm 2016, TP thí điểm không gian đi bộ quanh Hồ Gươm và lùi giờ “giới nghiêm” đến 2 giờ sáng hôm sau ở một số khu vực đã tạo điểm nhấn cho du lịch Thủ đô. Nhưng, số ngày lưu trú của du khách ở Hà Nội hiện vẫn ở mức khá thấp, với bình quân đạt gần 1,5 ngày/khách.

Từ thực tế này đòi hỏi TP cần có những chiến lược bài bản và cụ thể. Trong định hướng phát triển du lịch giai đoạn từ nay đến năm 2020, Hà Nội quyết tâm phấn đấu xây dựng 2 – 3 khu du lịch vui chơi, giải trí tầm cỡ quốc tế kết hợp truyền thống và hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực. Được biết, hiện dự án Công viên Kim Quy của Sun Group, dự án Khu công nghệ thông tin tập trung và dự án Trung tâm triển lãm Quốc gia của Vingroup thực hiện tại huyện Đông Anh đã hoàn tất việc GPMB và đang trong quá trình triển khai xây dựng. Hy vọng rằng, những công viên, trung tâm giải trí tầm cỡ quốc tế sẽ sớm được đưa vào vận hành, giúp giảm “cơn khát” nơi vui chơi, giải trí cho người dân Thủ đô và du khách đến Hà Nội.